Đi nghỉ hè, Tổng thống Obama mang theo sách gì để đọc?
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu có kỳ nghỉ hè cùng với gia đình trên một bãi biển ở bang Massachusetts. Trong kỳ nghỉ này, Tổng thống Obama đã mang theo 6 cuốn sách để đọc những lúc rảnh rỗi, ông đã lựa chọn những cuốn nào?
Nhà Trắng ngay lập tức đã tung ra danh sách 6 cuốn sách mà ông Obama đem theo trong hành lý.
Trước tiên, đó là cuốn tiểu sử nổi tiếng của tác giả Ron Chernow viết về vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ - George Washington.
Ở nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình, những vấn đề bạo lực có liên quan tới chuyện phân biệt chủng tộc hẳn đã khiến vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ quyết định chọn cuốn “Between The World and Me” (Giữa thế giới và tôi - 2015) để đọc. Đây là cuốn sách của nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục Ta-Nehisi Coates (một người Mỹ da màu).
Cuốn sách chứa đựng những nội dung của một cuốn tự truyện, đề cập tới những câu chuyện lịch sử và vấn đề phân biệt chủng tộc. Những nội dung này được trình bày dưới dạng một bức thư gửi tới cho cậu con trai đang tuổi thiếu niên của chính tác giả, qua đó thể hiện những xúc cảm, nghĩ suy và cả thực tế khi là một người da màu sống trên đất Mỹ.
Nhà văn Coates đã tóm tắt lại những câu chuyện lịch sử của nước Mỹ để phản ánh thái độ của nước Mỹ nói chung đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi từ trước đến nay. Trong tác phẩm có đề cập tới nỗi sợ hãi lớn nhất và thường thấy nhất của Coates, đó là sợ bị tấn công bạo lực vì màu da của mình.
Cuốn sách được viết một cách thẳng thắn và không hề tô vẽ những kỳ vọng dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Khi ra mắt trong năm nay, “Between The World and Me” đã nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà phê bình.
Tiếp theo là một cuốn sách viết về lịch sử tự nhiên - “The Sixth Extinction” (Cuộc tuyệt chủng thứ 6 - 2014) của nữ tác giả Elizabeth Kolbert. Cuốn sách được cho là rất phù hợp với những định hướng phát triển kinh tế đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường mà ông Obama đang rất quan tâm.
Cuốn sách đề cập tới những cuộc tuyệt chủng trên diện rộng từng xảy ra trong lịch sử tự nhiên trên trái đất và chứng minh rằng trái đất và con người đang trải qua cuộc tuyệt chủng “thứ 6”. Tác giả Kolbert đề cập tới cả những loài động vật bị tuyệt chủng vì con người, số lượng những loài phải chịu thảm cảnh này đang ngày càng gia tăng.
Cuốn sách đã nhận được những giải thưởng uy tín trong ngành xuất bản Mỹ. Dù là một cuốn sách khoa học nhưng cách viết của tác giả Kolbert rất dễ hiểu và hướng tới số đông độc giả.
Bên cạnh những cuốn sách chứa đựng thực tiễn sinh động, ông Obama cũng lựa chọn những cuốn tiểu thuyết, bao gồm 2 cuốn lấy bối cảnh Thế chiến II - “All That Is” (Tất cả là đó - 2013) của nhà văn James Salter và “All The Light We Cannot See” (Tất cả ánh sáng chúng ta không nhìn thấy - 2014) của nhà văn Anthony Doerr.
“All That Is” khi ra mắt đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình. Câu chuyện xoay quanh chàng thanh niên Phillip Bowman - người đã chứng kiến những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Những hình ảnh về chiến trường có thể sẽ đeo bám rất dai dẳng đối với những ai từng đối diện với nó. Đó là trường hợp của Bowman.
Chiến tranh kết thúc, cuộc sống của Bowman tiếp tục như bao chàng trai khác, anh yêu đương rồi rời xa nhiều người phụ nữ. Nhưng ẩn sâu đằng sau câu chuyện mang tính cá nhân đó là cách nhìn nhận về người đàn ông Mỹ sống trong thế kỷ 20.
Bowman là điển hình của một người đàn ông Mỹ với những rạn nứt trong tâm hồn, nhưng vẫn chất chứa đầy tham vọng trong cuộc sống, và cả sự cuồng nhiệt trong tình yêu. Đó là những người đàn ông của thế hệ trước, những người đang là cha, là ông của thế hệ trẻ hiện nay ở Mỹ.
“All The Light We Cannot See” là cuốn tiểu thuyết được đánh giá cao và từng giành những giải thưởng uy tín trong lĩnh vực xuất bản của Mỹ. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh nước Đức và nước Pháp thời Thế chiến II nhưng kỳ thực đây không phải một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh.
Trong sách có chạm tới nỗi sợ hãi chiến tranh, những cảnh chiến đấu, những con người bị mất tích, bị chết, nhưng tâm điểm của tác phẩm tập trung vào đời sống nội tâm của hai nhân vật thiếu niên. Marie Laure - cô bé mù 14 tuổi người Pháp phải chạy trốn về vùng quê sau khi cha của cô bé bị mất tích trong thời kỳ quân Đức bao vây Paris.
Werner là một cậu bé mồ côi người Đức, cậu rất giỏi việc lắp ráp và sửa chữa đài radio cũ hỏng, tài lẻ này đã khiến Werner bị buộc phải gia nhập tổ chức thanh thiếu niên phục vụ Đức Quốc xã.
Cuộc sống của Laure và Werner là những ví dụ điển hình cho cách mà những người bình thường sống trong thời buổi chiến tranh, loạn lạc, sẽ đương đầu thế nào với chuyện sống chết, với chuyện đạo đức…
Cuối cùng, sau chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, ông Obama lựa chọn một cuốn tiểu thuyết của nữ tác giả người Mỹ gốc Ấn - Jhumpa Lahiri, một tác phẩm văn học cũng được đánh giá rất cao và giành nhiều giải thưởng của ngành xuất bản Mỹ - cuốn “The Lowland” (Vùng trũng - 2013) lấy bối cảnh thành phố Kolkata, Ấn Độ.
Tâm điểm của câu chuyện là hai người anh em trai trong một gia đình. Cậu em Udayan là người nồng nhiệt, cảm tính và hồ hởi tham gia vào những hoạt động đoàn thể, chính trị nóng hổi của tuổi trẻ Ấn Độ hồi thập niên 1960.
Subhash khác với em mình, luôn muốn làm hài lòng cha mẹ, cậu cố gắng học hành để rồi ra nước ngoài du học và định cư ở Mỹ. Khi Udayan thiệt mạng trong một cơn bạo động mà cậu tham gia, Subhash đã quyết định sẽ kết hôn với người vợ đang mang thai của em trai.
Subhash hiểu rằng làm một bà mẹ góa ở Ấn Độ không dễ dàng, hai mẹ con sẽ rất vất vả, thiệt thòi. Hành động của Subhash đơn thuần vì muốn làm điều tốt cho những người thân thiết nhất còn lại của em trai. Nhưng rồi cuộc đời Subhash có thể bình lặng trôi đi như trước?
Cuốn tiểu thuyết vừa mang đặc trưng văn hóa Ấn Độ vừa diễn tả những vấn đề thường thấy trong gia đình ở khắp các quốc gia. Đó là sự cạnh tranh ngấm ngầm giữa các anh chị em ruột để giành được tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, về cách chúng ta sống với đức tin của mình và về mức độ tận tụy, hy sinh cho gia đình ở mỗi người.
Bích Ngọc
Tổng hợp