Nghệ An:
Đền Đức Hoàng - nét đẹp văn hóa lịch sử, trường tồn theo thời gian
(Dân trí) - Đền Đức Hoàng thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, cách thành phố Vinh chừng 60km về phía Bắc. Đền Đức Hoàng tọa lạc trên một vùng đất rộng, cao hướng ra “Linh đàm Diệu ốc” hương sen tỏa sắc bốn mùa.
Từ ngày 8-10/3 /2016, tức là ngày 1-2/2 Âm lịch, tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) hàng ngàn người dân cùng đông đảo du khách thập phương đã quy tụ về dữ lễ đền Đức Hoàng.
Lễ hội Đền Đức Hoàng năm nay được diễn ra trong 03 ngày, từ 8/3/ 2016 (tức 30/1 Bính Thân) đến 10/3/2016 (tức ngày 2/2 Bính Thân).
Đền Đức Hoàng là một ngôi đền cổ có niên đại cách ngày nay 400 năm, được nhân dân xây dựng nên để thờ Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn - người có công trong việc đánh đuổi giặc Nguyên Mông, đem lại thái bình, ấm no cho đất nước.
Văn bia và phả tộc họ Hoàng ở Vạn Tràng (nay thuộc huyện Diễn Châu) có ghi, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn sinh năm Giáp Dần (1254) vào đời vua Trần Thái Tông, ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An…. Đời vua Trần Nhân Tông, năm Mậu Tý (1288), tướng nhà Nguyên - Mông là Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đem quân sang xâm lược nước ta.
Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc.... Dưới tài tổng chỉ huy của Trần Hưng Đạo, trận đánh diễn ra ác liệt, quân ta đại thắng, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Vua Trần Nhân Tông phong cho Hoàng Tá Thốn là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”.
Là vị tướng có dũng khí, trí thông minh và nhiều mưu lược, có công với dân với nước nên sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành huyện Yên Thành. Năm 1998, đền Đức Hoàng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Theo sử sách xưa ghi lại rằng đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để phụng thờ các vị thần linh đã có công “Bảo Quốc hộ dân”, mà nhân vật trung tâm đó là “Sát Hải Đại Vương” Hoàng Tá Thốn, một vị tướng có tài bơi lội và giỏi võ nghệ đã có nhiều cống hiến lớn lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ thứ XIII.
Theo văn bia “Nam miếu tôn thần sự tích” của Cao Xuân Dục - Tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn năm 1899, gia phả họ Hoàng và thần tích đền Sát Hải Đại Vương ở thôn Vạn Tràng, thì ngài Hoàng Tá Thốn sinh năm 1254, trong một gia đình làm nghề chài, lưới ở thôn Vạn Phần (nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu).
Vốn thông minh, dũng mãnh hơn người và tài võ nghệ, bơi lội nên vào năm 1285, khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2, ông được cử vào đội thủy quân thiện chiến và được phong “Nội gia thư” dưới quyền lãnh đạo của chủ tướng Trần Quốc Tuấn. Trong chiến trận, Hoàng Tá Thốn luôn tỏ ra một vị tướng tài ba, nhiều lần lập chiến công xuất sắc.
Năm 1288, khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 3, Hoàng Tá Thốn được giao trọng trách thống lĩnh hàng vạn quân thủy và tàu chiến, trận chiến thắng thủy quân ta với chiến thuật lặn sâu đục thuyền giặc, phá tan chiến thuyền của tướng Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp trên sông Bạch Đằng đã góp phần to lớn làm nên đại thắng đuổi giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi.
Vào ngày 30/1 và mồng 1/2 âm lịch hàng năm, nhân dân huyện Yên Thành tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Hoàng Tá Thốn. Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, đa dạng, đậm bản sắc dân tộc như: bơi thuyền, kéo co, đẩy gậy, cờ người, chọi gà, vật dân tộc... Cùng với các trò chơi dân gian, du khách được thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Tuồng Kẻ Gám, múa rối cạn, ca trù...
Đây là dịp để bà con nhân dân địa phương và du khách gần xa tưởng nhớ công đức của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - người có công đánh đuổi giặc Nguyên - Mông, đem lại thái bình cho đất nước.
Một số hình ảnh Lễ hội đền Đức Hoàng do PV ghi lại:
Lễ hội không thể thiếu trò chơi dân gian. Chơi Đu là một trò chơi dân gian phổ biến thu hút rất đông các bạn trẻ và chị em phụ nữ tham gia.
Nguyễn Duy