Đền Cuông - cội nguồn truyền thuyết An Dương Vương
(Dân trí) - Hàng năm từ ngày 12 - 16/2 âm lịch, đông đảo du khách thập phương cùng nhân dân xứ Nghệ lại nô nức trẩy hội Đền Cuông (huyện Diễn Châu, Nghệ An) để tưởng nhớ đến công ơn trời biển của Thục Phán An Dương Vương.
Đền Cuông nằm trên núi Mộ Dạ, một ngọn núi thuộc dãy Đại Hải, bên cạnh quốc lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An. Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ “tam” với tam quan đồ sộ, cổ kính rêu phong.
Đền thờ Thục Phán An Dương Vương người đã có công đánh Tần đuổi Triệu mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Gây dựng non sông gấm vóc nước Âu Lạc ta thủa xưa. Và tướng quân Cao Lỗ, vị danh tướng có công chế tác nỏ thần giữ yên bờ cõi cho dân tộc.
Tương truyền năm 208 TCN Thục An Dương Vương bị Triệu Đà bất ngờ đem quân tấn công, phải rút lui về phương nam. Đến bước đường cùng người đã cùng 50 binh sĩ trung thành tuẫn tiết tại Cửa Hiển, phía bắc núi Mộ Dạ.
Tưởng nhớ đến công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân Diễn Châu đã lập đền thờ trên núi Mộ Dạ, hàng năm tổ chức lễ hội để không bao giờ quên đến những công ơn của người.
Lễ hội đền Cuông được tổ chức hàng năm với các lễ nghi gồm: lễ khai quang, lễ cáo trung thiên, lễ yết, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ.
Lễ khai quang diễn ra đầu tiên, được tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch để xin phép các vị thần cho nhân dân dọn dẹp đền, chuẩn bị cho lễ hội. Tiếp đến là lễ cáo trung thiên được tổ chức vào sáng ngày 14/2 để báo cáo, mời các vị về đền tham dự lễ hội và chứng giám cho lòng thành kính của nhân dân.
Lễ Yết diễn ra vào chiều tối 14/2 gồm 6 bước được tiến hành qua 35 lần xướng. Sau phần hành lễ là phần dâng hương của đại diện các ban, ngành và người dân về dự lễ.
Cũng trong tối 14/2, Ban tổ chức làm lễ rước vua và công chúa vi hành. Sáng 15/2 tiến hành lễ rước vua, công chúa và tướng Cao Lỗ từ đình Xuân Ái về đền Cuông. Sau đó là lễ đại tế. Trong đó, Lễ đại tế là lễ chính, bao gồm 8 bước. Cuối cùng Lễ tạ được tổ chức vào sáng ngày 16/2 để tạ ơn các vị thần đã về dự lễ.
Về với Đền Cuông du khách không những như được sống lại với thời kỳ hào hùng của dân tộc. Cùng với những huyền thoại, truyền thuyết về: Lời thề hóa đá, thánh hiển linh, bàn cờ tiên, núi Đẩu Vân… . Và những phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang đậm bản sắc dân tộc.
Không những thế, về với hội Đền Cuông, người dân còn được đắm mình vào không khí tưng bừng của lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hóa thể dục thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: Cờ người, bóng chuyền. Đặc biệt du khách còn được thả hồn mình theo những điệu hát của câu lạc bộ ca trù, câu lạc bộ thơ, đàn hát dân ca mượt mà của các nghệ nhân dân gian xứ Nghệ.
Lễ hội Đền Cuông đã trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân xứ Nghệ. Năm nay lượng du khách tìm về với lễ hội Đền Cuông đông đảo hơn rất nhiều so với những năm trước.
Ông Trần Thế Nam (du khách ở xã Diễn Ngọc, Diễn Châu) cho biết: “Hàng năm mỗi lần tổ chức lễ hội là gia đình tôi đều có mặt tại đền Cuông với những sản vật của biển để dâng lên Vua An Dương Vương, tỏ lòng biết ơn, cầu mong năm mới may mắn, an lành, mong những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, cá bạc đầy khoang”.
Trong những ngày chính hội, hàng vạn lượt du khách cùng nhân dân địa phương về tham gia trẩy hội.
Vũ Linh