Đêm A Piêu Ping huyền bí
(Dân trí)- Thấm thoắt đã mười lăm năm, hôm nay chúng tôi mới có dịp trở lại Đắkrông. Ngày ấy quãng đường từ cầu Đắkrông đi Tà Rụt dài hơn tám chục cây số toàn ổ gà, ổ voi.
Chiếc Minskơ ọ ẹ cõng hai đứa chúng tôi chồm lên như con ngựa chiến, đến nhà tôi nằm thẳng cẳng như kẻ chết rồi. Gọi là nhà cho oai chứ nó không khác gì cái chòi canh lúa. Nó nhìn tôi ái ngại, cũng may cuộc sống dưới trường nội trú kham khổ khiến chúng tôi dễ cảm thông với nhau hơn. Hôm nay trở lại tôi không khỏi bồi hồi khi nhớ về nó và những đứa bạn người Pa Cô chân thành.
Con đường 14 kinh hãi khi xưa giờ đã là nhánh Tây đường Hồ Chí Minh được rải nhựa phẳng lì. Hai bên đường những cánh rừng nguyên sinh của khu bảo tồn thiên nhiên thâm nghiêm u tịch như ẩn sâu bên trong những thăm thẳm huyền bí của đại ngàn. Loang loáng hai bên cửa kính ô tô những cánh đồng lúa rẫy ngả màu vàng nhạt, màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng dứa và sắn sắp vào mùa thu hoạch, tất cả như bừng lên sức sống mới giữa cheo leo núi rừng.
Mấy thiếu nữ Pa Cô xúng xính trong bộ váy mới, thấy khách lạ họ khe khẽ thì thầm bằng phương ngữ rồi cười bẽn lẽn. Giữa bãi đất trung tâm của xã một cây nêu sừng sững uy nghiêm như báo hiệu bản làng sắp vào mùa A Piêu Ping, lễ hội mang ý nghĩa tâm linh lớn nhất của đồng bào với nghi lễ làm nhà mới, cúng nhà mồ và cất bốc, quy tập mồ mả về ngôi nhà chung của dòng họ thể hiện tinh thần đoàn kết về huyết thống từ buổi đầu hình thành tộc người.
Lễ hội không diễn ra thường niên mà năm năm hoặc sáu bảy năm mới tổ chức một lần. Đó là khi bản làng đã no ấm phần nào không còn cảnh phải vào rừng đào củ thay cơm trong mùa giáp hạt. Vì vậy dịp này dù người Pa Cô có đi học hay làm ăn xa tận đâu cũng trở về trong niềm háo hức và thành kính tưởng nhớ các đấng sinh thành. Có lẽ đó là nét khu biệt lớn nhất của người Pa Cô so với những tộc người cận cư trên dãy Trường Sơn hùng vĩ... Trao đổi với chúng tôi ông Kray Sức Trưởng Ban văn hóa xã cho hay: ''Công việc tổ chức Lễ hội giao cho già làng và các trưởng tộc đứng ra điều hành, công việc đầu tiên là dựng ngôi nhà mới ở trung tâm để già làng, trưởng tộc đón tiếp các vị khách quý sau đó là cắt cử người vào rừng chọn cây gỗ đẹp, những cây tre dẻo dai về vót thành bông tua làm cây nêu. Khi cây nêu dựng lên báo hiệu mùa A Piêu Ping khai hội sau đó mới đến làm nhà mồ và tổ chức lễ đâm trâu''.
Khi nghi lễ cất bốc hài cốt người quá cố đã xong cũng là lúc màn đêm buông xuống, đủ loại âm thanh từ các loại nhạc cụ như cồng, chiêng, tù và thanh la đồng thanh cất lên vang vọng cả núi rừng, xen lẫn trong mớ âm thanh hỗn độn ấy là tiếng ông thầy cúng âm âm, bên ánh lửa bập bùng như đưa những người viễn khách và con cháu chốn trần gian đến một cõi nào đó vừa xa xăm, huyền hoặc vừa thâm nghiêm.
Ngày xưa khi luật tục còn nặng nề thì trong những ngày lễ trọng những đôi trai gái Pa Cô phải tuyệt đối chay tịnh, nếu bắt được đôi nào lén lút vào rừng ''đi sim'' bản phạt vạ một con trâu trắng để tạ tội với Giàng. Luật tục không còn nặng nề nhưng hình như trong ánh mắt họ, những đứa con của Trường Sơn vẫn ánh lên những nét thành kính. Lễ vật cúng Giàng không thể thiếu là một con trâu, trầm, trà, hương, rượu có lễ hội đâm trâu, các môn thể thao dân tộc.
Sau những nghi lễ là phần hội, thanh niên nam nữ Pa Cô tay trong tay ca hát, nhảy múa thâu đêm trong âm thanh trầm hùng của tiếng cồng tiếng chiêng bên ánh lửa. Người ta hỏi han nhau về cuộc sống, cách thức làm ăn, con cái học hành, hình như những va chạm, bất hòa trong cuộc sống thường ngày cũng được dễ dàng bỏ qua sau những cái bắt tay thật chặt bên ché rượu cay nồng.
Ông Hồ Văn Ngơn – Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết: ''Ngoài ý nghĩa tâm linh thì lễ hội A Piêu Ping còn là dịp để những người họ hàng xa gần có dịp gặp nhau nhận rõ tôn ti họ hàng nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc trong quan hệ huyết thống, hôn nhân, quy tập hài cốt, quy hoạch lại nghĩa địa cho phù hợp vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất sản xuất phù hợp với đời sống hiện nay. Bên cạnh đó đây còn là dịp giải tỏa những vướng mắc, những mâu thuẫn còn tồn tại, nâng cao vai trò vị thế của già làng, trưởng bản trong công tác tổ chức lễ hội, hòa giải cơ sở, quan hệ hôn nhân''.
Chúng tôi tạm biệt A Liêng, tạm biệt Đắkrông trong ánh chiều muộn, trong đầu còn vảng vất hương rượu cần say nồng và những âm thanh trầm hùng của núi rừng. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao ngày xưa mấy đứa bạn tôi mỗi lần nói về bản làng, chúng lại có thể kể say sưa về lễ hội này đến thế. Lễ hội thực sự là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp họ vượt qua những khó khăn khắc nghiệt, gìn giữ và phát huy những di sản nghìn đời mà cha ông để lại.
Đình Dũng