Huế:
Đề xuất giữ biệt thự Pháp cổ 100 năm tại Huế trước thông tin bị đập bỏ
(Dân trí) - Ngày 5/1, theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trước thông tin trụ sở chính của Liên hiệp hội sẽ bị đập bỏ, ông đang đề xuất tỉnh giữ lại ngôi biệt thự Pháp tại đây.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công văn số 7921/UBND-XTĐT thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26, 28 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế.
Tại khu đất này có trụ sở Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (số 26 Lê Lợi) là một ngôi nhà Pháp dạng biệt thự với kiến trúc tuyệt đẹp.Trước thông tin trên, nhiều văn nghệ sĩ trí thức tại Huế đã phản ứng khi một biệt thự cổ nữa có nguy cơ sẽ bị xóa bỏ để làm khách sạn.
Trao đổi với PV ngày 5/1, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Gần đây, tỉnh đã có ý tưởng xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành khu phố du lịch gắn với bảo tàng và các thiết chế văn học nghệ thuật. Tỉnh cũng đã chuyển Nhà lưu niệm Điềm Phùng Thị về cạnh Trung tâm Lê Bá Đảng; bố trí kinh phí mua tranh chuẩn bị thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế… Tôi thấy rằng việc tỉnh có chủ trương thu hồi khu đất để chuyển đổi mục đích cho đầu tư phát triển là hợp lý, bởi sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch, dịch vụ. Theo đó, Văn phòng của Liên hiệp Hội sẵn sàng chuyển đến nơi khác làm việc.
Tuy nhiên, ngôi nhà 26 Lê Lợi theo tôi là cần được giữ lại theo hướng bảo tồn thích nghi. Thứ nhất, về giá trị vật thể, ngôi nhà này quá đẹp, nằm trong số những biệt thự kiến trúc Pháp có giá trị di sản. Tuy đã quá 100 năm, hết hạn sử dụng song vẫn có thể trùng tu gia cường chịu lực để tiếp tục phục vụ cho du lịch - dịch vụ (Huế có nhiều di tích hàng trăm năm tuổi vẫn còn giữ được kiến trúc qua trùng tu).
Thứ hai, Trụ sở Hội là di sản trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không chỉ Huế mà còn cả nước, gắn bó với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ lớn. Sau 1975, ngôi nhà này là nơi lui tới của nhạc sỹ Trần Hoàn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Hữu Pháp…; các nhà văn, nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Hải Bằng, Nguyễn Trọng Tạo, Hà Khánh Linh, Võ Quê, Nguyễn Quang Lập, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà, Hoàng Vũ Thuật...; các họa sỹ Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Đinh Cường…; các nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng ở nước ngoài, các nhà thơ trên thế giới cũng đã từng đến giao lưu sinh hoạt văn nghệ…”
Ông Ngọc đề xuất, tỉnh Thừa Thiên Huế nên gợi ý cho nhà đầu tư trùng tu giữ lại ngôi nhà để phát huy kiến trúc và di sản văn hóa của một xứ sở được mệnh danh là “thành phố thi ca”. Có thể tại ngôi nhà này (trong không gian văn hóa nghệ thuật của phố Lê Lợi) sẽ kết hợp trưng bày những kỷ vật liên quan đến những tên tuổi của Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Vĩnh Phối, Hoàng Phủ Ngọc Tường…; tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa nghệ thuật; vừa phục vụ du lịch dịch vụ cao cấp gắn với văn hóa nghệ thuật.
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế chiều 5/1 trao đổi với Dân trí cho hay, hiện nay định hướng quy hoạch của tỉnh là ưu tiên phát triển trục đường Lê Lợi để thúc đẩy du lịch. Theo đó, các cơ quan nhà nước phải di dời khỏi khu vực đó, kể cả sau này văn phòng UBND tỉnh cũng phải di dời về trung tâm hành chính.
Về mặt thủ tục, hiện tỉnh mới chỉ cho doanh nghiệp nghiên cứu chứ chưa tiến hành các thủ tục tiến hành cho phép đầu tư. Vì trụ sở cơ quan nhà nước theo quyết định 09/2007 của Thủ tướng thì quyết định này đang tạm dừng lại và Thủ tướng chưa cho phép bán hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các trụ sở này. Cho nên việc nghiên cứu nhằm đưa ra các ý tưởng, trên cơ sở đó tỉnh cùng các đơn vị liên quan sẽ hoàn tất các ý tưởng và quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Việc lựa chọn chủ đầu tư còn thông qua công tác đấu thầu, đấu giá
Riêng công trình tòa nhà biệt thự Pháp tại 26 Lê Lợi sẽ được xem xét trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, phương án đầu tư và sẽ theo hướng phải có đánh giá khoa học để xác định những giá trị về mặt truyền thống, kiến trúc, lịch sử của biệt thự này. Trên cơ sở đó mình sẽ đề ra những phương án làm sao để bảo tồn, phát huy các giá trị đó. Cho nên, ở bước này chưa phải có vấn đề gì là quá nặng nề. Mọi người có những ý kiến có thể thông qua Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật để đề xuất với tỉnh.
Đại Dương - Mỹ Quyên