Bình Định:
Đệ trình UNESCO công nhận Bài chòi là Di sản văn hóa của nhân loại
(Dân trí) - Bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc, là món ăn tinh thần của nhân dân Nam Trung Bộ. Hàng trăm năm qua ở miền Trung đâu đâu cũng có hô hát, diễn xướng Bài chòi… Bài chòi rất xứng đáng là di sản của nhân loại.
Ngày 27/9, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc phối hợp với tỉnh Bình Định, Sở VHTT-DL Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học: “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn”, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nghệ nhân Bài chòi nổi tiếng trên cả nước.
Tại hội thảo gần có gần 20 tham luận của các nhà quản lí, nghiên cứu, nghệ nhân… trình bày, phân tích, đánh giá những điểm độc đáo cũng như thực trạng tồn tại và phát triển của nghệ thuật bài chòi ở các địa phương: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Trong đó, Bình Định là địa phương chủ trì, phối hợp với các địa phương khác cùng tiến hành xây dựng bộ hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong kỳ xét năm 2016.
Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Bình Định cũng đã chủ động đưa nghệ thuật bài chòi vào các lễ hội truyền thống của tỉnh nhằm quảng bá và giới thiệu nghệ thuật độc đáo của miền Trung đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nghệ thuật bài chòi là một sản phẩm văn hóa đặc sắc, là món ăn tinh thần của vùng đất miền Trung. Bài chòi xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nếu như nhân dân lao động miền Bắc yêu thích nghệ thuật chèo bao nhiêu thì nhân dân miền Trung cũng yêu thích nghệ thuật Bài chòi bấy nhiêu. Bởi đây là sản phẩm tinh thần hồn nhiên được sinh ra từ những con người hồn nhiên, chất phát. Bài chòi do chính người lao động ở nông thôn sáng tạo ra và nó trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của họ.
Ngoài những giá trị về văn hóa, nghệ thuật độc đáo, hát Bài chòi còn mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người... Tuy nhiên, dù sức bài chòi rất lớn, song thực tế hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì bài chòi dần bị mai một.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên giao cho Viện Âm nhạc tổng hợp các ý kiến từ Hội thảo, ghi nhận thêm những nghiên cứu của các chuyên gia để có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan nhằm phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng hồ sơ.
Việc xây dựng hồ sơ phải hoàn thành và nộp lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuối tháng 12/2014, để trình các hội đồng thẩm định. Trước tháng 3/2015, phải hoàn tất hồ sơ để gửi UNESCO, hồ sơ sẽ được xem xét vào năm 2016.
Thứ trưởng đề nghị các các tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật bài chòi dân gian, cần tích cực triển khai thực hiện công tác kiểm kê để đánh giá hiện trạng di sản hiện có; đề xuất kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương; tập trung tuyên truyền, phổ biến để quảng bá nghệ thuật bài chòi ở chính địa phương đó phải tạo được sự lan tỏa; các địa phương chủ động tôn vinh cũng như chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân còn phát huy được tài năng, truyền dạy giá trị nghệ thuật bài chòi…
Dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho di sản nghệ thuật bài chòi Bình Định.
Doãn Công