Đầu xuân, đọc về loài Dê trong văn học Việt Nam

(Dân trí) - Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò vè và thi ca Việt Nam, hình tượng loài dê hiện lên đa dạng, sinh động, chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu đạt phong phú.

Trong thành ngữ, tục ngữ


Trong thành ngữ, tục ngữ, hình ảnh loài dê xuất hiện khá đa dạng, sinh động và đầy ngụ ý. Con dê đã trở thành đối tượng chính trong nhiều câu tục ngữ, thành ngữ sinh động, dân dã:

Bán bò tậu ruộng mua dê về cày hàm ý chê trách cách thức làm ăn không biết tính toán, lo liệu.

Cà kê dê ngỗng chỉ sự trò chuyện dài dòng, huyên thuyên, lặt vặt.

Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng là kinh nghiệm chăn nuôi phù hợp với năng lực, hoàn cảnh.

Treo đầu dê, bán thịt chó chỉ sự không thống nhất giữa nội dung và hình thức, nói một đằng, làm một nẻo, không ăn khớp với nhau.

Máu bò cũng như tiết dê, rõ ràng hai thứ tiết khác nhau, người ta ăn tiết canh dê, không ai ăn tiết canh bò, vậy mà máu bò cũng như tiết dê là ám chỉ con người không rõ ràng, minh bạch.

Trong ca dao, hò vè


Trong ca dao, hò vè, loài dê cũng hiện lên sinh động: Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân. Hay: Thế gian, ba sự khôn chừa/Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.

Bài đồng dao “Dung dăng dung dẻ” của trẻ thơ cũng có nhắc tới con dê: Dung dăng dung dẻ/Dắt trẻ đi chơi/Đến ngõ nhà trời/Lạy cậu lạy mợ/Cho cháu về quê/Cho dê đi học

Hay như bài hát ru dân dã cũng có nhắc tới con dê: Ru em buồn ngủ buồn nghê/Con tằm chín đỏ, con dê chín muồi/Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi/Con dê chín muồi làm thịt em ăn.

Trong bài “Vè 12 con giáp” có câu: Tuổi Mùi là con dê chà/Có sừng, có gạc, râu ra um sùm.

Trong bài “Vè miền quê” cũng nhắc đến năm Mùi: Năm Ngọ, mã đáo thành công/Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê.

Trong thi ca


Trong thi ca, hình ảnh loài dê cũng xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm:

Trong bài “Đào Nguyên Hành”, nhà thơ Phùng Khắc Khoan (1528-1613) đã tả cảnh nông thôn Việt Nam, trong đó có nhắc tới hình ảnh con dê: Trâu bò gà lợn dê ngan/Đầy lũ đầy đàn thả khắp mọi nơi.

Trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Lục súc tranh công”, 6 con vật nuôi trong nhà (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn) tranh nhau công trạng của mình, người chủ phải can thiệp vào, dàn hòa rồi mới yên. Trong đó, “công trạng” của con dê được người chủ kể lại như sau: Dê vốn thật thuộc về việc lễ/Để hòng khi về hạng tư văn/Để dành khi tế thánh, tế thần/Lại có thủa kỳ yên, kỳ phước/Hễ có việc, lấy dê làm trước/Dê dâng vào người mới lạy sau.

Trong thi ca


Trong “Hịch Tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo (1228-1300) cũng có nhắc đến hình ảnh con dê và coi đó là hình ảnh đại hiện cho quân Mông Cổ: Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình/Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng.

Trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có câu chê trách những kẻ phục vụ thực dân, làm tay sai giày xéo dân tộc: Hai vầng nhật nguyệt chói loà/Đâu dung lũ treo dê bán chó.

Trong thi ca


Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) từng có nhiều bài thơ viết về loài dê, trong đó có bài “Nỗi lòng Tô Vũ” với những câu như: Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả/Ðeo vòng vào em nghển cổ cong xinh/Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá/Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên.

Nhà thơ Lê Đạt (1929-2008) cũng từng có bài “Ông cụ chăn dê”: Ông cụ mịt mù dê phía núi/Ríu rít làng và khói xóm lưng. Hay: Đàn dê bỏm bẻm trăng/Mấy lũn cũn dê con/Chân tân tất trắng/Vểnh râu thang gọi/Be he ông. Rồi thì: Rừng động xanh/Ai đừng được xuân/Mấy dê non buồn sừng húc gió/Cẫng lên cỡn lên/Be he xuân.

Trong tác phẩm thơ nôm “Lục Vân Tiên” của tác giả Nguyễn Đình Chiểu, bộ mặt thật của nhân vật phản diện Bùi Kiệm khi muốn “giở trò” với nàng Kiều Nguyệt Nga đã được thể hiện qua câu thơ: Con người Bùi Kiệm máu dê/ Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) cũng từng mượn câu thơ cổ trong tập “Hồng Đức Quốc Âm thi tập” để đưa vào bài thơ “Mắng học trò dốt”: Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Bích Ngọc
Tổng hợp