Dấu tích người Việt cổ trên đất Khánh Hòa từ 2.000 năm trước
(Dân trí) - Sáng ngày 4/2 (nhằm ngày 26 tháng Chạp), Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã chính thức mở cửa đón du khách tham quan triển lãm “Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Khánh Hòa”.
Đây là một trong nhiều hoạt động của Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa nhằm chào đón Xuân Bính Thân, đồng thời giới thiệu 300 hiện vật khảo cổ học qua gần một thế kỷ phát hiện, nghiên cứu.
Theo triển lãm, từ thời Pháp thuộc, nhà khảo cổ học kiêm địa chất học H. Mansuy đã mở đầu cho việc đi tìm dấu người xưa ở Khánh Hòa. Ông đã tìm thấy 2 chiếc cuốc đá mài trên đảo Hòn Tre, Vịnh Nha Trang năm 1925.
Sau đó, nhà địa chất học E. Saurin cũng đã có những phát hiện công cụ đá và những mảnh gốm thô ở khu vực nhà thờ Mỹ Ca, ven bờ Vịnh Cam Ranh. Những phát hiện của các học giả phương Tây đã đánh dấu bước khởi đầu nghiên cứu thời Tiền sử, Sơ sử ở Khánh Hòa.
Năm 1979, các nhà khảo cổ học và quản lý văn hóa đã phát hiện di chỉ Xóm Cồn, ven Vịnh Cam Ranh. Trải qua gần 4 thập kỷ sau đó, các nhà khảo cổ học đã có những phát hiện quan trọng về thời Tiền sử, Sơ sử ở Khánh Hòa. Đó là những di tích thuộc văn hóa Xóm Cồn, với đặc trưng là vỏ sò biển trong tầng văn hóa ở vùng ven bờ Vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, văn hóa Sa Huỳnh cũng có mặt ở vùng đồng bằng hẹp Diên Khánh ở táng tục chôn cất bằng mộ chum.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện di chỉ Hòa Diêm, với nhiều đồ trang sức, mộ chum… được tìm thấy. Từ đây, các nhà khoa học đánh giá, Khánh Hòa thời cổ đại, đã có các mối quan hệ, giao lưu văn hóa xa gần. Vùng đất Khánh Hòa còn tìm thấy đàn đá Khánh Sơn, trống đồng Đông Sơn, gốm sứ ở Trường Sa… Điều này đã chứng minh người Việt cổ, văn minh Việt cổ đã có mặt tại Khánh Hòa và hòa vào văn minh bản địa cách đây khoảng 2.000 năm.
Dưới đây là một số hình ảnh tại triển lãm được phóng viên Dân trí ghi lại:
Viết Hảo