1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Đau đầu với nhạc thiếu nhi

“Lịch sử nằm sâu dưới những giai điệu ngây thơ, đó là điều tồi tệ”. Báo chí phương Tây đã đúc kết như thế khi chứng kiến những bài hát, câu vè dành cho thiếu nhi lại chứa đựng những nội dung về dịch hạch, về thuế thời trung cổ, đàn áp tôn giáo, mại dâm, giết chóc...

Thông tin từ BBC cho biết những bài hát như vậy - xuất hiện từ thế kỷ XIV và đạt đến thời hoàng kim vào thế kỷ XVIII - lại xuất hiện phổ biến trong đời sống hiện nay. Nhiều đứa trẻ cất tiếng hát một cách vô thức trong khi người lớn không ý thức được những gì họ đang mang đến cho con em mình là thứ tăm tối với tác hại “kinh khủng”.

Điển hình là ca khúc “Goosey goosey gander”, một bài hát thiếu nhi nổi tiếng ở Anh. Cả giai điệu lẫn cụm từ “goosey goosey” đều được cho là biểu lộ cảm giác hạnh phúc. Song, thực chất đây là bài hát nói về đàn áp tôn giáo vào thời các linh mục Công giáo bị cấm cầu nguyện bằng tiếng Latin. Bài hát có đoạn: “Tôi thấy một lão già không chịu nói lời cầu nguyện. Tôi túm lấy chân trái của lão và ném lão xuống cầu thang”.

Trong khi đó, “Baa, baa, black sheep”, một bài hát nói về thuế len thời trung cổ ở Anh từ năm 1275 lại có thông điệp phân biệt chủng tộc rất rõ qua các từ “đen” và “chủ nhân”. Bài hát này từng bị cấm ở một số trường học trong thế kỷ XX vì xúc phạm người da đen. Năm 2011, một phiên bản khác là “Baa, baa rainbow sheep” (đổi “đen” thành “cầu vồng”) được công bố để thay thế...

Đau đầu với nhạc thiếu nhi

Chương trình “Giọng hát Việt nhí”, nơi các em gồng mình thể hiện những ca khúc không thuộc về lứa tuổi của mình. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Nhà xuất bản Random House (Anh) đã liệt kê danh sách 100 bài hát thiếu nhi không lành mạnh, bao gồm các yếu tố đói nghèo, kỳ thị tôn giáo, nhạo báng người tàn tật và những hình thức bạo lực như treo cổ, chặt đầu, chặt chân tay người, giết hại động vật... Bên cạnh đó, nhiều tổ chức được lập ra để cải cách các bài hát thiếu nhi nhằm cho ra những phiên bản có nội dung sạch hơn. Theo đó, thay cho những câu chuyện chính trị, bạo lực, tôn giáo, giới tính, bệnh tật, giết chóc, phản bội, siêu nhiên..., lời ca khúc phải là những nội dung trong sáng.

Không chỉ đối mặt tình trạng ca khúc “cũ”, “bẩn” về nội dung, người lớn còn đau đầu hơn khi bài hát thiếu nhi mới sáng tác gần như không có. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi nhiều đứa trẻ ngày nay đều cập nhật xu hướng âm nhạc thế giới một cách nhanh nhạy. Các bản “hit” (ăn khách) với những giọng ca đình đám được cả người lớn lẫn trẻ em yêu thích. So với nội dung “bẩn” của các ca khúc thiếu nhi trước đây thì yếu tố gợi dục của nhiều bản “hit” ngày nay còn lộ liễu và độc hại hơn nhiều lần. Đó là lý do vì sao nhiều tổ chức, cá nhân kiến nghị phân loại tuổi khán, thính giả khi ca khúc phát hành để tránh ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

Nằm trong tình hình chung của thế giới, nhạc thiếu nhi Việt cũng khan hiếm một cách trầm trọng. Những ca khúc thiếu nhi được yêu thích trước đây gần như đã lỗi thời và nhàm chán trong mắt nhiều đứa trẻ hôm nay. Trong nhiều chương trình thi hát dành cho đối tượng thiếu nhi, những thí sinh nhỏ tuổi gồng mình thể hiện các ca khúc dành cho người lớn có nhiều trải nghiệm thưởng thức.

Không ít lần, giới chuyên môn đã lên tiếng cảnh cáo về hiện trạng ca khúc thiếu nhi đang bị loại dần khỏi hoạt động sáng tác chuyên nghiệp. Những ca khúc thuộc về người lớn được các em trình diễn trên nhiều chương trình truyền hình giải trí không thành công như mong đợi. Khán giả không mấy hào hứng với những đứa trẻ “già trước tuổi” khi chuyển tải thông điệp của các ca khúc thuộc về người lớn thay vì thể hiện những gì thuộc về tâm hồn các em.

Khan hiếm ca khúc thiếu nhi đang đẩy đời sống âm nhạc của trẻ vào tình cảnh “đói khát” lẫn nguy cơ “ngộ độc”.

Theo Thùy Trang
Người lao động