Dấu ấn Việt Nam qua “Kong: Skull Island” lọt Top sự kiện văn hoá tiêu biểu

(Dân trí) - Chiều nay (10/1), Bộ VHTT&DL đã chính thức công bố 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu. Theo đó, Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim “Kong: Skull Island” lọt top 10 sự kiện này.

Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tháng 12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju - Hàn Quốc, Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi danh 2 di sản “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” và “Hát Xoan Phú Thọ” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong đó, hát Xoan Phú Thọ là di sản đầu tiên trên thế giới được đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sự kiện này khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Dấu ấn Việt Nam qua bộ phim "Kong: Skull Island"

Năm 2017, bộ phim “Kong: Skull Island” được công chiếu với các cảnh quay chính được thực hiện tại các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã tiếp tục hiện thực hoá chủ trương quảng bá hình ảnh Việt Nam qua điện ảnh. Sự kiện này cũng mở ra cơ hội Việt Nam trở thành phim trường của thế giới.

Dấu ấn Việt Nam qua phim Kong: Skull Island trở thành sự kiện văn hoá tiêu biểu của năm 2017.
Dấu ấn Việt Nam qua phim "Kong: Skull Island" trở thành sự kiện văn hoá tiêu biểu của năm 2017.

Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL đã bổ nhiệm đạo diễn bộ phim, ông Jordan Vogt Robert là đại sứ du lịch tại Anh và Mỹ làm tăng cơ hội quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.

Ấn tượng “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam”

“Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam” là một sự kiện nằm trong chương trình hợp tác văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga giai đoạn 2016-2018, do Bộ VHTT&DL Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên Bang Nga phối hợp tổ chức, đồng thời là điểm nhấn trong các sự kiện chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sự kiện này góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.

Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại SEA Games 29

Đến với SEA Games 29 tại Malaysia, dù chương trình thi đấu không có nhiều môn thế mạnh nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu thành công với 168 huy chương các loại, trong đó có 59 huy chương vàng, 49 huy chương bạc, 60 huy chương đồng, phá 12 kỷ lục SEA Games và xếp thứ 03/11 quốc gia tham dự (có tới 51 trong số 59 HCV đến từ các môn nằm trong chương trình thi đấu của Olympic).

Đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 5 bước lên ngôi vô địch SEA Games

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã giành ngôi vô địch SEA Games lần thứ 5 sau các cuộc đăng quang năm 2001, 2003, 2005 và 2009. Đây là thành tích thực sự ấn tượng, đáng khâm phục của các cầu thủ nữ trong đó có đóng góp không nhỏ của HLV Mai Đức Chung, khi dẫn dắt đội tuyển nữ 3 lần vô địch SEA Games.

Thành tích ấn tượng của Đội tuyển Điền kinh Việt Nam năm 2017

Điền kinh Việt Nam đã có một năm thành công khi xuất sắc giành 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ, lần đầu tiên vượt qua Thái Lan, đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại SEA Games 29 trong đó có những gương mặt xuất sắc như Lê Tú Chinh: 3 HCV, phá kỷ lục SEA Games, Nguyễn Thị Huyền 3 HCV...

Đặc biệt, VĐV Bùi Thu Thảo giành HCV Châu Á nội dung nhảy xa tại Giải điền kinh vô địch châu Á 2017 diễn ra tại Ấn Độ ngày 06/7/2017.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng kỷ lục trong năm 2017

Năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam đón trên 12,9 triệu lượt khách quốc tế; tăng hơn 2,9 triệu lượt (tương đương tăng 29,1%) so với năm 2016; khách du lịch nội địa ước đạt 73,2 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 510.900 tỷ đồng. Sự kiện này không chỉ là mốc son đánh dấu sự thành công của ngành mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam vươn tới những thành tựu lớn hơn nữa trong thời gian tới. Nhờ những kỳ tích tăng trưởng đó, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch.

Luật Du lịch 2017 được thông qua với nhiều nội dung thúc đẩy phát triển du lịch

Ngày 19/6/2017, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Du lịch số 09/2017/QH14 với tỷ lệ 89,21% đại biểu tán thành. Luật sẽ có hiệu lực thi hành và thay thế Luật Du lịch số 44/2005/QH11 kể từ ngày 01/01/2018.

Luật Du lịch 2017 gồm 9 chương, 78 điều; giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi và môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Trên cơ sở thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017 được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh và tạo nhiều đột phá để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển trong thời gian tới.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch trong lịch sử gần 60 năm của ngành, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành Du lịch trong tình hình mới.

Ngoài các quan điểm chỉ đạo tập trung phát triển du lịch như một ngành kinh tế tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, Nghị quyết thể hiện sâu sắc quan điểm chỉ đạo phát triển du lịch là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước với động lực phát triển từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Nghị quyết cũng chỉ rõ 08 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới với nhiều nội dung vừa mang tính chỉ đạo định hướng, vừa mang tính tháo gỡ vướng mắc từ nhiều năm qua để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết.

Du lịch Việt Nam giành nhiều giải thưởng danh giá của Tổ chức Du lịch thế giới

Ngày 10/12/2017, Việt Nam được xướng tên ở những hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Du lịch thế giới 2017 (World Travel Awards): Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã xuất sắc vượt qua 30 đại diện đến từ các châu lục (số lượng ứng viên cao gấp 3 lần năm 2016), xác lập một kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch thế giới khi lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”.

hu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã xuất sắc vượt qua 30 đại diện đến từ các châu lục, xác lập kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch thế giới.
hu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã xuất sắc vượt qua 30 đại diện đến từ các châu lục, xác lập kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch thế giới.

Khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay cũng được xướng tên là “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới”.

Công ty du lịch Vietravel đã trở thành công ty lữ hành Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh là “Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới năm 2017”.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa” và “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng phổ thông đặc biệt”.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm