Đất nước của vó ngựa và thảo nguyên

(Dân trí) - Với dân số chưa tới 3 triệu người sống trên lãnh thổ có diện tích lớn thứ 19 thế giới, Mông Cổ là quốc gia có mật độ dân cư thấp nhất trên hành tinh. Có lẽ vì vậy mà tính cách con người Mông Cổ trở nên phóng khoáng, tự do…

Xem thêm thông tin Giải trí của báo Dân trí tại đây
 
Tại Ulan-Bator tập trung tới gần 40% dân số của cả nước thế nên nơi đây không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hoá, kinh tế lớn nhất của Mông Cổ. Đồng thời nắm giữ vai trò trung tâm tu viện Phật giáo thế nên trên nền trời của Ulan-Bator ngoài những toà nhà cao tầng hiện đại còn được chấm phá thêm bởi những mái cong của chùa chiền, cung điện.

 

Nền trời Ulan-Bator được vẽ nên bởi những nét truyền thống pha lẫn hiện đại
Nền trời Ulan-Bator được vẽ nên bởi những nét truyền thống pha lẫn hiện đại



Xuất phát điểm đầu tiên của chúng tôi là Quảng trường trung tâm mang tên Sukhbaatar. Giữa quảng trường là tượng đài người anh hùng trên lưng ngựa với một tay nắm dây cương còn một tay chỉ lên trời cao. Sukhbaatar chính là vị tướng vị đại đã lãnh đạo nhân dân Mông Cổ đánh bại đế quốc Trung Hoa để giành độc lập năm 1921. Phía bắc của quảng trường là toà nhà Quốc hội Mông Cổ với mặt tiền là tượng Thành Cát Tư Hãn uy nghi cùng hai kỵ sỹ dũng mãnh đứng canh gác hai bên. Khi nhắc tới Mông Cổ không ai là không biết tới Thành Cát Tư Hãn, người đã lập ra Đế quốc Mông Cổ đầu thế kỷ 13. Vó ngựa của đế quốc này đã tung hoành khắp lục địa Á-Âu để trở thành quốc gia to lớn và hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.

 

Tượng Thành Cát Tư Hãn tại quảng trường trung tâm
Tượng Thành Cát Tư Hãn tại quảng trường trung tâm



Xung quanh quảng trường này tập trung phần lớn những toà nhà cao lớn và hiện đại nhất của Mông Cổ hiện nay. Nằm song song với toà nhà Quốc hội là hai bảo tàng lớn. Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia Mông Cổ lưu giữ những dấu tích đầu tiên của loài người cho tới quá trình hình thành đế quốc xâm lược khắp bản đồ thế giới đến chiến tranh bảo vệ hoà bình đất nước cho tới ngày hôm nay. Bạn nào yêu thích thiên nhiên thì nên ghé thăm bảo tàng Lịch sử tự nhiên. Ở đây bạn có thể thoải mái ngắm nhìn hàng trăm nghìn loại động vật từ côn trùng, tới các loài cá, chim, động vật có vú. Và đặc biệt nhất trong bảo tàng này bạn sẽ phải trầm trồ khi nhìn thấy những bộ xương khủng long hoá thạch cao lớn.

 

Cung điện mùa đông của Bogd Khan
Cung điện mùa đông của Bogd Khan



Hơn một nửa dân số Mông Cổ theo Phật giáo Tây Tạng. Tuy nhiên số tu viện Phật giáo cổ xưa còn sót lại không nhiều sau sự đàn áp thực thi tôn giáo của chủ nghĩa cộng sản đầu thế kỷ 20. Trong số các công trình kiến trúc nổi bật còn sót lại phải kể đến đó là tu viện Choijin nằm ngay cạnh toà nhà 23 tầng The Blue Sky, toà nhà cao nhất Mông Cổ hiện nay. Tu viện Gandam nằm ở phía Tây Bắc Ulan-Bator nổi tiếng với tượng Quan Âm cao 26 mét được giát vàng cùng 5000 pho tượng nhỏ với hình thù khác nhau. Cung điện mùa đông của Bogd Khan xây dựng cuối thế kỷ 19 cũng tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Phật giáo Tây Tạng.

 

Các kỵ sĩ nhí trên lưng ngựa
Các kỵ sĩ nhí trên lưng ngựa



Đi Ulan-Bator lần này chúng tôi thật may mắn khi được tham dự lễ hội Nadam. Đây là một trong 3 ngày lễ lớn nhất trong năm của người Mông Cổ. Nadam thường được tổ chức vào khoảng giữa hè, là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu và cùng nhau thi tài. Bao giờ cũng vậy Naadam luôn có ba cuộc thi là: đấu vật, bắn cung và đua ngựa. Các đấu sĩ Mông Cổ cao lớn, da ngăm đen, béo khoẻ, chắc nịch. Đấu vật dân gian Mông Cổ dường như rất ít di chuyển. Chủ yếu họ dùng hai tay ghì nhau, ai ngã đập lưng hoặc bụng xuống trước thì thua cuộc. Nhưng thú vị nhất vẫn là cuộc đua ngựa. Điều đặc biệt làm cho chúng tôi tới bây giờ vẫn trầm trồ thán phục ở chỗ người điều khiển ngựa chạy đua là các cô bé, cậu bé mới chỉ 5-7 tuổi. Quả không sai khi nói người Mông Cổ sinh ra trên lưng ngựa, chết đi cũng ở trên lưng ngựa.

 

Món thịt cừu hầm đá cổ truyền của Mông Cổ
Món thịt cừu hầm đá cổ truyền của Mông Cổ



Cũng trong lễ hội Nadam này chúng tôi có dịp được thưởng thức những món ăn cổ truyền của Mông Cổ. Món bánh khushu và buuz được làm từ bột mỳ nhân thịt cừu hoặc bò. Bột làm bánh rất mềm còn nhân thịt thì tươi mới, ngọt và thơm vị của đồng cỏ thảo nguyên. Người Mông Cổ chế biến thịt cừu rất độc đáo. Họ nung những hòn đá nhặt ven suối trong đống lửa lớn. Khi đã tắt lửa họ gắp những hòn đá cho vào nồi, cứ một lượt đá là đến một lượt thịt cừu. Sau khi nêm thêm muối, rau rừng, khoai tây, cà rốt, cho vào đó một ít nước, rồi lại vùi nồi đó vào đống than nóng và đốt thêm lửa xung quanh. Những hòn đá được nung nóng giúp cho nồi không chỉ nóng từ phía bên ngoài mà cả từ phía trong nên chỉ nửa tiếng sau là thịt đã chín. Cùng với thịt cừu mềm, nóng hổi, thơm phức chúng tôi hào hứng nếm thêm bát rượu airag được làm từ sữa ngựa.

 

Khi đến Mông Cổ bạn nên chú ý tôn trọng những tập tục của người địa phương. Nếu có lỡ giẫm phải chân người khác thì hãy chìa tay ra bắt tay họ để chứng tỏ bạn không có ý gì xấu cả. Còn nếu bạn thấy họ lấy ngón tay trỏ quyệt mũi ba lần có nghĩa là họ đang tức giận đấy. Bạn tuyệt đối không được sờ vào đầu người Mông Cổ vì theo họ đó là phần thiêng liêng và cao quý nhất trong con người.

 

                                        Đinh Xuân Trường