Đạo diễn Việt Tú lên tiếng về tin đồn “hét giá cát- sê cao”

(Dân trí) - “Chẳng nghệ sĩ nào trả nổi đủ cát- sê cho một đạo diễn bỏ hết các show trong vòng vài tháng chỉ để làm một liveconcert cho họ đâu, mà làm một sản phẩm nhàn nhạt chỉ để cho có thì cả tôi và họ đều không mong muốn", đạo diễn Việt Tú nói.

Đã từng tham gia các lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến với tư cách được đề cử, giờ được mời là đạo diễn cho đêm trao giải Cống hiến 2014, cảm giác của anh thế nào?

Báo Thể thao & Văn hóa - Ban tổ chức Cống hiến đã mời tôi làm đạo diễn chương trình từ lâu. Nói về sự gắn bó, thì tôi là một trong số những nghệ sĩ có gắn bó từ những ngày sơ khởi của giải “Tiền Cống hiến” năm 2004. Cùng với thời gian Cống hiến đã trở thành một giải uy tín, được người làm nghề, khán giả yêu nhạc của Việt Nam chờ đợi.

Điều đáng nói nhất là giải luôn giữ được sự công minh, và một phần nào đó là sự "cực đoan" của những người tổ chức nhằm giữ cho giải đi đúng hướng, tôn vinh những giá trị âm nhạc xứng đáng. Giải đã động viên, tạo cảm hứng cho người nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo và cống hiến.  

Đạo diễn Việt Tú lên tiếng về tin đồn “hét giá cát- sê cao”

Nổi tiếng nhiều ý tưởng, "chiêu trò" trong các show ca nhạc, nhưng với Cống hiến đạo diễn Việt Tú cho biết anh sẽ tiết chế, để giữ cho âm nhạc thuần chất nhất trong "thánh đường" Nhà hát Lớn

Anh nghĩ sao về yếu tố trẻ trong các đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến hàng năm ở các hạng mục, họ được đánh giá cao nhưng ít khi có giải, nếu xét trên mặt bằng giải thưởng chung, thì vài năm gần gây vẫn là những gương mặt cũ?

Ở đâu cũng thế thôi, thế giới cũng vậy, các gương mặt “gạo cội” luôn chiếm lợi thế tại các đề cử và các giải thưởng hết từ năm này đến năm khác và xuất phát điểm của họ cũng là từ những người….trẻ, cần nhìn nhận sự việc một cách tích cực rằng đó là đẳng cấp của thế hệ đi trước cần được thừa nhận. Các bạn trẻ không nên mất thời gian vào việc đặt ra câu hỏi là tại sao giải thưởng không thuộc về mình mà hãy dành thời gian để cố gắng không ngừng để đến được vị trí….”gạo cội” ấy.

Là người đã từng có trong tay giải Cống hiến ở nhiều khu vực khác nhau, anh đã giá sao về tính lan toả của giải thưởng, ví dụ sau khi liveshow của Hồ Ngọc Hà đoạt giải, anh có thấy tính "cống hiến" của nó được thể hiện nhiều không?

Cho tới bây giờ Hồ Ngọc Hà live concert vẫn  còn được nhắc đến và ghi nhận như một trong những dấu son của nền công nghiệp tổ chức show diễn còn non trẻ của showbiz Việt. Tôi nghĩ nếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà có những nghệ sĩ dám dấn thân như cô ấy bỏ ra cả một số tiền lớn cộng với có ekip dám đầu tư cả nửa năm để tạo như những show diễn như Hồ Ngọc Hà Concert thì điều đấy bản thân nó đã là một sự cống hiến rồi.

Nghề đạo diễn sân khấu đúng là đang trở nên ngày một….nguy hiểm

"Nghề đạo diễn sân khấu đúng là đang trở nên ngày một….nguy hiểm"

Gần đây thấy anh say mê với các chương trình dài hơi mà bỏ quên nhiều liveshow nghệ sĩ. Người ta bảo anh lấy giá cao quá, nghệ sĩ chạy, cũng có người cho rằng làm chương trình dài hơi "sống" ổn định hơn?

Sự đều đặn và ổn định đối với một người đàn ông có gia đình như tôi là rất quan trọng. Tiếp đến, năng lượng là thứ cần được tái tạo và duy trì, tôi chỉ nhận lời làm các liveshow nghệ sĩ khi có đủ cảm hứng sáng tạo vì đây những show diễn đặc biệt cần có thời gian để chuẩn bị. Nếu tôi có nhận show concert cho các nghệ sĩ là vì tình yêu dành cho việc chứ không đặt yếu tố tiền bạc lên hàng đầu, dạng công việc này ngốn rất nhiều thời gian chắc chẳng nghệ sĩ nào trả nổi đủ cát- sê cho một đạo diễn bỏ hết các show trong vòng vài tháng chỉ để làm một liveconcert cho họ đâu mà làm một sản phẩm nhàn nhạt chỉ để cho có thì cả tôi và họ đều không mong muốn.

Là người có trong tay rất nhiều chương trình tên tuổi, ở tuổi của anh giờ người ta không gọi là "thử lửa" nữa rồi, anh đã quá kinh nghiệm. Giờ tâm trạng của anh khi đối mặt với sự cố có khác khi vào nghề. Anh có thể nói cụ thể xem sự cố nào từng làm anh cảm thấy "khoai" nhất?

Điều quan trọng là bạn phải hiểu bản chất của vấn đề, sẽ không một sự cố nào đó có thể xoá đi tất cả những gì bạn đã có được. Không nên để những sức ép vô hình và có lẽ cả vô lý nữa làm cho bạn trở nên bấn loạn khi có sự cố xảy ra dẫn đến sai lầm trong cách ứng xử. Tính tôi không thích tranh luận, thanh minh hay giải thích, khi có sự cố chỉ biết im lặng và tin tưởng rằng thời gian sẽ luôn là câu trả lời tốt nhất cho những gì mình làm còn trước mắt có phải thiệt thòi một chút cũng nên chấp nhận.

Anh là đạo diễn Bài hát yêu thích, gần đây có làm cả Giai điệu tự hào, 2 chương trình đều đang có hiệu ứng tốt, nhưng gần đây người ta nói anh hay "bê" một vài tiết mục từ Giai điệu tự hào sang để "làm màu" cho Bài hát yêu thích, anh nghĩ sao về chuyện này?

Có lẽ đâu đó trong câu chuyện này có sự hiểu lầm vì quyền lựa chọn các sản phẩm âm nhạc vào những chương trình tôi đang làm không thuộc về một cá nhân nào hết mà phụ thuộc vào hội đồng bình chọn, nếu tôi nhớ không lầm thì có mỗi Quảng Bình quê ta ơi là xuất hiện trong liveshow 4 Bài hát yêu thích vừa rồi.

Hơn nữa cả Bài hát yêu thích hay Giai điệu tự hào đều có một vị trí riêng, nên tôi thấy cũng không cần thiết phải lấy chương trình nọ ra để làm màu cho chương trình khác làm gì, cho dù nếu một sản phẩm âm nhạc có chất lượng được vang lên ở nhiều không gian khác nhau thì khán giả yêu nhạc sẽ là người được lợi bởi điều đó.

Có lần tôi nghe thông tin anh vào viện vì quá tải công việc, nghề đạo diễn sân khấu căng thẳng hơn nhiều ca sĩ, trách nhiệm nặng hơn, nhưng cát- sê đôi khi không bằng, anh có cảm thấy cát- sê đạo diễn ở Việt Nam giờ đang thấp trên mặt bằng?

Tôi vào viện không phải là vì làm việc quá tải, mà đơn giản vì tôi bị sốt xuất huyết, đặc tính của tôi là không ốm vặt, mà ốm lần nào ra lần đấy. Còn nghề đạo diễn sân khấu đúng là đang trở nên ngày một….nguy hiểm hơn khi thời gian chuẩn bị ít đi, kinh phí sản xuất thấp xuống, một số quy trình quan trọng bị bỏ qua. Điều nguy hiểm nhất là bạn phải tập thích nghi với sự thay đổi cũng như can thiệp liên tục của các bên liên quan. Nếu nhà sản xuất có kinh nghiệm, đạo diễn sẽ được “chia lửa” rất nhiều, nhưng gặp phải nhà sản xuất ít kinh nghiệm thì sự rủi ro là rất lớn, những khuyến cáo về chuyên môn thường bị bỏ qua, nếu không cẩn trọng đạo diễn và ekip của mình sẽ là người đầu tiên chịu hậu quả.

Về cát- sê của nghề đạo diễn tôi nghĩ là vừa và đủ so với đóng góp của họ cho một chương trình, còn có sống được thoải mái với nghề hay chưa thì tôi nghĩ là cũng tuỳ hoàn cảnh sống và nhu cầu mỗi người.

Nghề đạo diễn sân khấu đúng là đang trở nên ngày một….nguy hiểm

"Điều tôi cố gắng truyền đạt cho con mình là luôn dám làm, dám chịu, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay những người xung quanh mỗi khi gặp chuyện không như ý"

Một người vợ nhiều tuổi hơn anh, lại phải "trói" 1 đạo diễn trẻ trung, thời thượng, anh có bao giờ thử đặt mình vào vị trí đau đầu của vợ không?

Những điều đó chỉ là những giá trị ảo, và nó không giúp ích gì cho cuộc sống gia đình. Điều quan trọng nhất với mỗi người đàn ông hay phụ nữ cho dù có xinh đẹp hay thành đạt mấy là sự đóng góp cho gia đình, chứ không phải mang những giá trị được xã hội ghi nhận về nhà và chẳng làm gì cho gia đình cả.

Vừa là đạo diễn, quan hệ nhiều, lại đi học nước ngoài về, chắc hẳn cách anh dạy dỗ 2 cô con gái cũng khác, nhưng môi trường ở ta là môi trường quá độ, cũng không thể nuôi con kiểu Tây được, anh có thể truyền đạt kinh nghiệm cân bằng trong cách nuôi dậy con được không?

Điều tôi cố gắng truyền đạt cho con mình là luôn dám làm, dám chịu, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay những người xung quanh mỗi khi gặp chuyện không như ý. Ở khía cạnh văn minh Phương Tây, tôi cố gắng đối xử và đối thoại với con mình như bạn nhưng ở khía cạnh truyền thống, tôi luôn làm cho con mình hiểu một thông điệp rằng, không nên làm những “bà Tây nửa mùa” trong một gia đình Việt, và giá trị gia đình truyền thống luôn phải được tôn trọng.

Ví dụ hôm trước tôi có ngồi nhậu với bạn bè ở nhà rất khuya, các con tôi bị ồn không ngủ được, đứng nói vọng từ tầng 3 xuống rất to trước mặt các bác các chú là bố mẹ và các bạn nói nhỏ thôi cho con còn ngủ. Câu trả lời của tôi rằng: đây là nhà của bố mẹ, và chừng nào con còn ở trong nhà của bố mẹ thì hãy chấp nhận văn hoá (cả hay lẫn dở) của bố mẹ, muốn không bị làm ồn thì sau này hãy tự sắm nhà riêng, và kể cả trong trường hợp nhà riêng của con mà bố mẹ đến thì cách truyền đạt thông điệp cũng cần phải khác thay vì đứng từ trên tầng nói vọng xuống chỏng lỏn với bố mẹ mình như vậy.

Quang Minh- Nguyễn Hằng