Đạo diễn “The Piano" tiếc đã không để nhân vật nữ chính chết đuối
(Dân trí) - Nữ đạo diễn Jane Campion của bộ phim tình cảm lãng mạn kinh điển - “The Piano” (Chiếc dương cầm - 1993) mới đây vừa chia sẻ với báo giới rằng bà ước gì mình đã có đủ dũng cảm để nhân vật nữ chính Ada McGrath chết đuối trong phân cảnh cuối.
Bộ phim “The Piano” từng giành được 3 giải Oscar, trong đó có giải cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Holly Hunter), Kịch bản gốc xuất sắc nhất (đạo diễn cũng đồng thời là biên kịch của phim - Jane Campion) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Anna Paquin).
Cô bé Anna Paquin vào vai cô con gái nhỏ Floral của Ada nhận được tượng vàng Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Khi đó Anna mới 11 tuổi.
Ngoài ra, phim còn giành được giải Cành cọ vàng và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes cùng hàng chục giải thưởng điện ảnh khác từ các liên hoan phim quốc tế.
Cho tới nay, “The Piano” vẫn được coi là một trong những bộ phim tình cảm lãng mạn cảm động và chân thực nhất mọi thời đại. Câu chuyện tình của nữ nhân vật chính Ada cũng luôn nằm trong danh sách bình chọn những mối tình được khán giả yêu thích nhất trên màn ảnh.
“The Piano” là một tác phẩm điện ảnh kết hợp hoàn hảo sự đam mê mãnh liệt và những rung cảm tinh tế. Chuyện phim là câu chuyện hài hòa của âm nhạc, tình yêu và tình dục.
Lấy bối cảnh đất nước New Zealand ở thế kỷ 19, Ada - một phụ nữ góa chồng và bị câm, sống ở Scotland bị cha gả bán cho một địa chủ mà cô không hề biết mặt sống ở New Zealand. Ada mang theo cô con gái nhỏ Flora cùng cây dương cầm lặn lội vượt biển, tới vùng đất mới để lấy chồng.
Hành trình đến nơi ở của người chồng mới rất vất vả nên ông ta đã bắt cô bỏ lại cây đàn dương cầm bên bờ biển. Đau khổ và tuyệt vọng, trong nỗi cô đơn tột cùng, không ít lần Ada tìm ra bãi biển mong có thể mang cây đàn về.
Tình cờ cô gặp Baines, một người đàn ông nghèo sống gần đó. Baines cảm thương cho hoàn cảnh của Ada và hiểu rằng với một phụ nữ bị câm như Ada thì cây dương cầm là ngôn ngữ duy nhất để cô giao tiếp với cuộc sống.
Baines đã mang cây dương cầm bị bỏ lại bên bờ biển về nhà mình và nhờ đó, anh có thể tiếp cận Ada. Một tình cảm bắt đầu nảy sinh giữa Ada và Baines trước sự ghen tuông và ngăn cấm của người chồng lạnh lùng và hung hãn.
Ada và người tình - Baines
Trong phân cảnh cuối phim, khi Ada được chồng “trao trả tự do” để tới với người tình là Baines, cô đã bị chồng chặt mất ngón tay trỏ và gần như sẽ không thể chơi đàn được nữa. Trên đường vượt biển cùng Baines và con gái để tìm tới một vùng đất mới, Ada đã yêu cầu Baines ném cây đàn xuống biển.
Trước đó, cô đã buộc chân mình vào chân cây đàn. Khi cây đàn rơi xuống nước, Ada cũng nhảy xuống theo, nhưng khi dần chìm sâu xuống đáy nước, Ada đã kịp tháo chân ra khỏi sợi dây thừng và sống sót an toàn. Cô bắt đầu một cuộc sống mới với Baines và con gái nhỏ.
Baines đã làm cho Ada một ngón tay giả, nhờ đó Ada vẫn có thể chơi đàn và trở thành một cô giáo dạy piano.
Bộ phim khi đó được đầu tư 7 triệu đô là và thu về 40 triệu đô la - một thành công lớn tính ở thời điểm năm 1993. 20 năm sau ngày bộ phim ra mắt, đạo diễn Jane Campion cho rằng, đáng lẽ phân cảnh cuối phải bi đát và chua xót mới đúng với phát triển tâm lý nhân vật và thực tế cuộc sống.
Bà chia sẻ: “Bộ phim khá ổn, nhưng tôi nghĩ có lẽ Ada nên nằm lại dưới đáy biển với cây đàn, như thế hợp lý hơn. Làm vậy bộ phim sẽ còn hay hơn nữa. Khi đó tôi đã không có đủ sự can đảm để làm nên một đoạn kết bi đát nhưng hoàn hảo”.
Nữ diễn viên chính Holly Hunter thì cho rằng cái kết như trong phim là rất hợp lý: “Cây đàn piano là kỷ vật yêu quý của Jane, để kết thúc tất cả những chuyện đã qua, bỏ lại cây đàn dưới biển là rất hợp lý. Đối với tôi, cái kết của phim giúp Ada có thể tiếp tục sống, mơ mộng và lãng mạn, không bị chìm đắm trong bi kịch. Cô ấy đã đủ mạnh mẽ để không bị ám ảnh bởi những chuyện đã qua nữa. Mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn sau khi Ada đối diện với tử thần”.