Đạo diễn, NSND Thanh Vân cay đắng khi nói về Hãng phim truyện Việt Nam

Hương Hồ

(Dân trí) - Trước thảm cảnh ở Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Thanh Vân chia sẻ với PV Dân trí: "Tôi cảm thấy cay đắng khi 30 năm tận tâm cống hiến, làm ở Hãng, nhưng vừa rồi nằm viện phải trả 100% viện phí".

Chờ đợi một phép màu

Tối 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.

Thủ tướng đồng thời chỉ đạo các cơ quan tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại liên quan Hãng phim truyện Việt Nam trước ngày 23/3.

Đạo diễn, NSND Thanh Vân cay đắng khi nói về Hãng phim truyện Việt Nam - 1
Đạo diễn, NSND Thanh Vân cay đắng khi nói về Hãng phim truyện Việt Nam - 2

Cảnh hoang tàn, đổ nát của Hãng phim truyện Việt Nam (Ảnh: Toàn Vũ).

Từng có 22 năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), quay phim Nguyễn Việt Hùng chia sẻ với PV Dân trí, anh chờ đợi một tia hi vọng vào ngày 23/3 tới. "Chúng tôi đều mong muốn Hãng được phục hồi và phát triển trở lại để anh em có động lực, môi trường sáng tạo", anh Hùng nói.

Nói về tình trạng Hãng phim hiện tại, nhân viên phòng quay phim Nguyễn Thành Bình - gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam từ năm 1996, khẳng định nhân sự của Hãng vẫn đủ để đáp ứng các dự án phim từ khâu sáng tác, tiền kỳ, hậu kỳ.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các ban ngành xử lý quyết liệt, dứt điểm những gì đang tồn tại ở Hãng phim. Chỉ đạo của Thủ tướng chính là tín hiệu vui cho những người làm phim", Nguyễn Thành Bình chia sẻ.

Như bao đồng nghiệp, nghệ sĩ từng gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chờ đợi vào phương án được đưa ra vào ngày 23/3. "Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là tìm kiếm cơ hội làm việc bên ngoài và chờ đợi một phép màu cho Hãng của mình", Đinh Tuấn vũ bày tỏ.

Đạo diễn, NSND Thanh Vân cay đắng khi nói về Hãng phim truyện Việt Nam - 3

Quay phim Nguyễn Việt Hùng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những phận đời dang dở, chật vật để mưu sinh

Chia sẻ với Dân trí, NSƯT, họa sĩ Vũ Huy từng cho hay, anh từng làm Giám đốc Xưởng mỹ thuật của Hãng phim từ năm 1993-2015 nên anh đau xót khi thấy nơi mình từng làm việc bị xuống cấp trầm trọng.

"Khi bắt đầu cổ phần hóa, ai cũng muốn mọi thứ tốt lên nhưng ngược lại, chúng tôi không được trả lương, không đóng bảo hiểm, gần như bị ném ra đường, mạnh ai nấy sống. Chúng tôi bị đối xử rất tàn nhẫn. Chúng tôi có đấu tranh nhưng mọi thứ vẫn như thế".

Với đạo diễn, NSND Thanh Vân đó là nỗi niềm cay đắng: "Tôi cảm thấy cay đắng khi 30 năm tận tâm cống hiến, làm ở Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng vừa rồi nằm viện phải trả 100% viện phí. Không được 1 đồng nào bảo hiểm y tế".

Và đó là phận đời chung của rất nhiều anh, em nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết, gần 5 năm nay, toàn bộ anh chị em nghệ sĩ, nhân viên đã không nhận lương, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. 

Đạo diễn, NSND Thanh Vân cay đắng khi nói về Hãng phim truyện Việt Nam - 4

Đạo diễn, NSND Thanh Vân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Phim cuối cùng của Hãng phim truyện Việt Nam là Cuộc đời của Yến do tôi đạo diễn, cũng là bộ phim đầu tiên tôi được nhận vai trò này trong khoảng thời gian công tác tại Hãng. Phim được hoàn thành cách đây gần 8 năm. Nghĩa là trong gần 8 năm qua, Hãng đã gần như "đóng băng". Đó là một thời gian dài kỷ lục và là nỗi đau của rất nhiều người yêu điện ảnh Việt Nam".

Quay phim Nguyễn Việt Hùng chua xót chia sẻ về thời điểm xảy ra lùm xùm cổ phần hóa. "Sau khi cổ phần hóa Hãng phim, công việc của nhân viên trong Hãng hoàn toàn bị đình trệ, tôi được các công ty bên ngoài mời làm các chương trình, nhưng đó cũng chỉ là công việc thời vụ, không thường xuyên và không thể đảm bảo thu nhập.

Hai năm đại dịch Covid- 19 dường như "đóng băng", tôi không còn công việc gì khác để làm mà nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền ngày càng nặng gánh. Có thời điểm khó khăn, tôi phải đi chở hàng thuê để đảm bảo cuộc sống gia đình", anh Hùng kể.

Quay phim Nguyễn Thành Bình cũng chia sẻ thực trạng đầy cám cảnh của anh em văn nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên, kỹ thuật viên của Hãng phim truyện Việt Nam.

"Đa số phải tự bươn chải bằng thế mạnh của từng người. Người nhận làm các dự án phim với các đơn vị làm phim khác, người nhận viết kịch bản cho dự án phim, có người chuyển sang kinh doanh, bán hàng online, bán bia, chạy taxi, xe ôm... Miễn là kiếm sống và mỗi người đều nuôi hy vọng hãng sẽ hoạt động trở lại với đúng chức năng", Nguyễn Thành Bình nói.