Đạo diễn Long Vân của "Biệt động Sài Gòn" qua đời

Lạc Thành

(Dân trí) - Đạo diễn Long Vân - cha đẻ phim "Biệt động Sài Gòn" - vừa qua đời ở tuổi 87 sau thời gian bị bệnh nặng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, đạo diễn Long Vân qua đời khoảng hơn 8h ngày 24/12, sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, bà biết đến đạo diễn Long Vân qua chồng của mình là nhà biên kịch Lê Phương. Những năm cuối đời, đạo diễn Vân Long phải ngồi xe lăn do bị tai nạn gãy chân. Vợ ông - bà Kim Cương - là người chăm sóc hỗ trợ đạo diễn ở nhà riêng trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Đạo diễn Long Vân của Biệt động Sài Gòn qua đời - 1

Đạo diễn Long Vân (áo trắng) trong thời gian chuẩn bị quay phim "Những đứa con của biệt động Sài Gòn" (Ảnh: Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cung cấp).

"Dù sức khỏe không được tốt nhưng đạo diễn Long Vân vẫn có nhiều dự định về phim ảnh. Cách đây 1 năm ông ấy ấp ủ làm phim về Bác Hồ. Ông Long Vân là một người đam mê về công việc. Mấy tháng gần đây, ông ấy yếu quá nên nằm một chỗ. Bà Kim Cương thấy ông ấy mệt nên hạn chế cho mọi người đến thăm", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.

Bà nói thêm, khi nghe tin đạo diễn Long Vân mất, bà choáng một lúc mới gọi điện cho vợ của nam đạo diễn được.

"Nghe chị Kim Cương khóc mà lòng tôi cũng tan nát. Anh Long Vân ốm đã lâu, tôi cũng đã đến thăm anh ở nhà đôi lần. Biết anh nhập viện, tôi cứ tự hứa sẽ đến thăm nhưng gọi chị mấy lần không được nên chẳng biết đến đâu để thăm. Bây giờ hay tin anh đã đi xa", bà nói.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói thêm, chồng bà và đạo diễn Long Vân giống nhau ở sự cống hiến hết mình. "Bởi thế, họ thân nhau mãi mãi chăng?", bà xúc động chia sẻ.

Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội, sau đó ông cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên.

Năm 14 tuổi, đạo diễn Long Vân được gửi sang Nam Ninh, Trung Quốc học tập. Năm 1955, ông tốt nghiệp sư phạm và gắn bó với nghề dạy học cho đến sau này chuyển hướng sang điện ảnh.

Ông thuộc thế hệ đạo diễn trưởng thành trước năm 1975. Sau khi tốt nghiệp, ông mất 15 năm đi làm phó đạo diễn cho lớp đạo diễn đàn anh như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt…

Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là Tiếng gọi phía trước năm 1979 do nhà văn Phù Thăng làm biên kịch, từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Moskva, sau đó là các phim Nơi gặp gỡ của tình yêuCho cả ngày mai.

Tuy nhiên phải đến Biệt động Sài Gòn - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985 gồm 4 tập có tên lần lượt là Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em - thì cái tên Long Vân mới được mọi người biết đến.

Sau Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân còn làm thêm phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn...

Không chỉ có sự nghiệp thành công, đạo diễn Long Vân còn được biết đến là người chồng hoàn hảo bên bạn đời - nghệ sĩ Kim Cương.

Sau tất cả vinh quang của nghề, ông hạnh phúc vì có người vợ yêu thương chăm sóc sức khỏe sớm hôm, có người con gái thành đạt lo cho đời sống tuổi già.