"Cha đẻ" của phim "Biệt động Sài Gòn qua đời
(Dân trí) - Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương - tác giả kịch bản phim "Biệt động Sài Gòn" đã qua đời vì tuổi cao sức yếu.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người vợ thủy chung, người bạn đời tri kỷ của nhà văn Lê Phương xác nhận thông tin chồng qua đời vì tuổi cao sức yếu. Nhiều khán giả, bạn bè và đồng nghiệp dành những lời tiếc thương, động viên bà sớm vượt qua nỗi buồn.
Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông tham gia quân đội năm 16 tuổi, từng gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 23 tuổi, ông hoạt động trong vai trò một chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng.
Năm 1960, ông trở thành nhà báo rồi nhà văn chuyên viết về công nhân. "Bất khuất" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ của Lê Phương được Nhà xuất bản Lao Động in lần đầu năm 1963.
Năm 1977, nhà văn Lê Phương bắt đầu đến với ngành điện ảnh. Ông viết không nhiều, nhưng mỗi bộ phim được làm từ kịch bản của ông đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả như Nơi gặp gỡ của tình yêu hay những kịch bản được chính ông chuyển thể từ tiểu thuyết của mình (Cơn lốc biển chuyển thể từ tiểu thuyết Bất khuất)… Biệt động Sài Gòn cũng chính là tác phẩm thành công nhất do Lê Phương viết kịch bản.
Lên sóng năm 1986, Biệt Động Sài Gòn là một điểm sáng cho điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Phim dài bốn tập, do Long Vân đạo diễn, tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam.
Đó là khung cảnh chiến trường đầy bom đạn, chết chóc và cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Không chỉ lập kỷ lục phòng vé, bộ phim còn đưa tên tuổi của hàng loạt nghệ sĩ như Quang Thái, Thương Tín, Hà Xuyên, Hai Nhất, Thanh Loan… đến gần hơn với công chúng.
Đặc biệt ở giai đoạn từ sau năm 1990 khi phim truyền hình lên ngôi, nhà biên kịch Lê Phương chuyển hướng viết kịch bản phim truyền hình. Năm 1996, ông là tác giả của bộ kịch bản phim truyện truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam có tên Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ nói về cuộc vật mình của lực lượng kinh tế tư nhân trong quá trình tiếp cận với công nghệ trong sản xuất gốm sứ, mở đầu cho dòng phim sẽ phát triển như một sản phẩm không thể thiếu trên màn ảnh nhỏ. Để rồi sau này những bộ phim như Sống mãi với thủ đô, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh… do ông viết kịch bản lần lượt ra đời để những dấu ấn mạnh mẽ trong công chúng yêu phim.
Không chỉ có một sự nghiệp thành công nhà văn Lê Phương còn được biết đến là người chồng hoàn hảo bên bạn đời - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Cả hai nổi tiếng là cặp vợ chồng yêu thương, tri kỷ, cùng nhau viết nhiều kịch bản phim truyền hình.