Đạo diễn Đặng Nhật Minh và duyên nợ với Honolulu

(Dân trí) - Chưa ai được nhìn thấy thiên đường, nhưng trong hình dung của mọi người, đó là một nơi đầy hoa thơm cỏ lạ, cảnh trí thơ mộng thanh bình. Nếu vậy thì Hawaii, một quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương, bang thứ 50 của Mỹ xứng đáng được gọi là thiên đường hạ giới.

Đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh

Đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh

Tôi biết nước Mỹ khởi đầu từ Honolulu, thủ phủ của Hawaii. Năm 1987 tôi được Trung tâm Đông Tây (East-West Center) của Mỹ mời sang Honolulu hai tháng để chuẩn bị cho một chương trình phim Việt Nam giới thiệu tại Liên hoan phim Hawaii năm ấy (Liên hoan phim này do Viện giao lưu văn hóa của Trung tâm Đông Tây tổ chức).

Đang là thời kỳ cấm vận ngặt nghèo nhất trong quan hệ Việt - Mỹ. Phải có hai Thượng Nghị sỹ Mỹ làm giấy bảo lãnh tôi mới được cấp visa tại lãnh sự Mỹ ở Bangkok. Ngoài người Mỹ ra, làm việc ở Trung tâm Đông Tây có đủ người các quốc tịch châu Á như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Indonesia, Mianma, Thái Lan, Philipin...

Tôi là người Việt Nam duy nhất. Hàng ngày tôi làm việc với GS John Charlot dịch các lời thoại trong phim từ Việt sang Pháp rồi Giáo sư lại dịch từ Pháp sang Anh, viết bài giới thiệu các phim, gặp gỡ báo chí v.v... Ông John là giáo sư về văn hóa các dân tộc Polynesien tại Đại học Hawaii.

Sau khi ông được xem phim Bao giờ cho đến tháng Mười tại Liên hoan phim Hawaii năm 1985 và rồi yêu mến Việt Nam mà nhận lời làm việc cho Trung tâm Đông Tây như người tuyển chọn, tổ chức chương trình phim Việt Nam. Ông làm việc say mê, coi tôi như bạn thân. Có lần ông tâm sự với tôi: Trong đời ông từ trước đến nay, đây là công việc làm mà ông thấy hứng thú và có ý nghĩa nhất.

Trong hai tháng ở Honolulu, người ta đã chiếu cho tôi xem tất cả các phim về đề tài chiến tranh Việt Nam mà người Mỹ đã làm, để có một nhận định riêng phát biểu trong cuộc hội thảo với các nhà đạo diễn Mỹ. Phải nói rằng các nhà điện ảnh Mỹ đã lao vào đề tài này một cách say sưa hăng hái chưa từng có ngay sau khi chiến tranh VN vừa kết thúc (khác hẳn với các đồng nghiệp Pháp sau năm 54).

Cuộc hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ của Liên hoan phim Hawaii năm đó. Đoàn điện ảnh Việt Nam còn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đình Quang cùng Cục phó Cục điện ảnh Bùi Đình Hạc sang sau. Trong đoàn điện ảnh Mỹ từ Holywood đến có nữ diễn viên Kiều Chinh, một gương mặt sáng giá nhất của điện ảnh Sài Gòn trước 75.

Kiều Chinh bây giờ là một nữ diễn viên của Hollywood. Cô gặp chúng tôi với thái độ lịch sự, xã giao nhưng có cái gì đó e dè xa cách bởi vì cô từ Holywood tới, còn chúng tôi từ Hà Nội sang. Trong hội thảo Kiều Chinh cũng chẳng đứng về phía nào, chẳng bênh vực ai mà cũng chẳng phê phán ai.

Còn chúng tôi thì nói thẳng những suy nghĩ của mình rằng trong tất cả các phim người Mỹ đã làm về chiến tranh Việt Nam đều giống nhau ở một điểm: những người lính Mỹ là những con người, có kẻ độc ác, có kẻ lương thiện, có tội ác, có lòng nhân ái, có bi kịch và có nỗi đau... nghĩa là có đủ mọi thứ tình cảm của con người. Còn đối phương của họ là ai?

Đó là những người không giống bất kỳ ai trên trái đất này. Họ không có một thứ tình cảm gì khác của con người ngoài chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của họ. Việt cộng trong các phim đó không khác gì bọn lính Ăngca của Pôn Pốt. Trong bối cảnh đó thì chị Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười bất ngờ xuất hiện ngay trên đất Mỹ, trước khán giả và những người làm phim Mỹ.

Chị đã âm thầm trả lời cho tất cả những định kiến kia mà không cần phản bác to tiếng. Nữ diễn viên Kiều Chinh sau khi xem phim xong vừa bước ra khỏi rạp đã gục đầu vào vai tôi mà khóc nức nở trước con mắt ngạc nhiên của các đồng nghiệp Holywood.

Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh VN đến với công chúng Mỹ sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc. Ban tổ chức Liên hoan phim Hawaii năm ấy đã có một hành động thật dũng cảm: đem một bộ phim VN tới chiếu trong khuôn khổ của LHP và tặng cho nó một giải thưởng quan trọng: Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo. Thử tưởng tượng việc làm đó diễn ra trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng của quan hệ Việt- Mỹ, lệnh cấm vận đang trong thời kỳ ngặt nghèo nhất, mới thấy hết ý nghĩa của việc làm này

Sau lần đó tôi còn trở lại Honolulu với các phim Trở vềThương nhớ đồng quê. Liên hoan phim Hawaii trỏ thành địa chỉ quen thuộc đối với tôi mỗi khi làm xong một phim mới.

Tháng 11/2001 tôi lại có dịp trở lại với bộ phim Mùa ổi. Hawaii sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 măm 2001 không còn như xưa. Không còn khung cảnh nhộn nhịp của khách thập phương trên đường phố Waikiki ở Honolulu. Những bạn bè quen biết cũ nay không còn làm việc trong Ban tổ chức LHP nữa.

Người sang tuyển chọn phim Việt Nam lần này là anh Anderson Le, người Mỹ gốc Việt. Tháng 4 năm 1975 mẹ anh trở dạ đau đẻ trên chiếc máy bay chở người tỵ nạn Việt Nam dừng cánh tại Honolulu và Anderson đã ra đời tại đây. Giáo sư Jhon Charlot tìm gặp tôi để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ.

Sau lần tham gia tổ chức chương trình phim Việt Nam năm 1987, ông lại trở về giảng dạy tại Đại học Hawaii. Trong những buổi chiếu phim tôi cảm động gặp lại nhiều khán giả quen biết ngày nào. Có một nữ khán giả đã cho tôi xem bài thơ của anh giáo Khang trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười mà tôi đã chép tặng chị trong sổ tay cách đây 15 năm.

Tôi trở lại thăm Bảo tàng Nghệ thuật (Academy of Art) nơi cách đây 15 năm lần đầu tiên đã chiếu phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Bảo tàng vẫn như vậy. Tôi có cảm giác như thời gian ở đây hầu như không trôi. Cảnh vật vẫn thế không cũ đi, con người vẫn thế không già đi. Vẫn nắng ấy và gió biển ấy, không có gì thay đổi.

Chỉ có một sự thay đổi lớn lao bàng bạc trong không trung mà người ta chỉ có thể cảm nhận được thôi. Đó là sau sự kiện ngày 11 tháng 9, cuộc sống trên hành tinh này đã thay đổi. Nhân loại đã bước sang một thời kỳ mới, chưa ai biết sẽ như thế nào, chỉ biết nó không còn như xưa nữa. Cuối năm 2013 tôi lại được mời đến Honolulu để dự những buổi chiếu phim Bao giờ cho đến tháng 10 và giao lưu với khán giả.

Trong một cuộc giao lưu như vậy tôi đã nói: Liên hoan phim Hawaii đã xóa bỏ cấm vận với VN trước khi Chính phủ Mỹ làm điều đó 10 năm. Câu nói đó được khán giả tán thưởng nồng nhiệt. Tôi hồi hộp không biết một bộ phim làm cách đây đã 27 năm, nay chiếu lại liệu có người xem không. Nhưng lạ thay buổi chiếu đông kín người.

Sau khi xem xong nhiều khán giải còn ngồi lại đẻ giao lưu với đạo diễn trong số đó có người đã xem phim này cách đây 27 năm.Họ ôn lại với tôi những kỷ niệm cũ và cho biết sau 27 năm xem lại, cảm xúc vẫn còn như nguyên ban đầu, thâm chí có những tình tiết đến bây giờ xem mới hiểu thêm và càng thấy thú vị.

Một giáo sư người Sri Lanka giảng giậy tại trường Đại học Hawaii còn nhận ra trong phim những tư tưởng Phật giáo mang đậm mầu sắc Á đông giống như ở Siri Lanca. Tôi gặp lại Giáo sư Stephen O’Harrow giậy tiếng Việt và văn hóa châu Á tại Đại học Hawaii. Giáo sư cho biết đã chiếu cho sinh viên của mình xem BGCĐT10 có đến hàng trăm lần, đến nỗi giáo sư thuộc lầu tất cả lời thoại trong phim.

Bộ phim đối với ông như một tài liệu giáo khoa bằng hình ảnh về văn hóa và con người Việt nam. Nhiều khán giả hỏi tôi làm sao có thể làm những bộ phim như tôi đã làm trong hoàn cảnh kiểm duyệt khá ngặt nghèo ở VN. Tôi đã trả lời: Bí quyết của tôi là làm phim phải để người xem cảm đông.Các thành viên trong hội đồng duyệt cũng là những người xem. Một khi họ đã cảm động rồi thì mọi việc thật đơn giản.Họ chỉ khó tính khi phim làm họ thờ ơ.

Đặt chân trở lại Honolulu sau 27 năm tôi có cảm trưởng như ở đây thời gian không trôi. Vẫn bầu trời xanh ấy, biển xanh ấy, những đường phố rợp bóng cây xanh ấy …. không có gì thay đổi. Và lạ thay con người cũng vậy Những bạn bè cũ tôi gặp lại, không thấy ai già đi, vẫn nước da hồng hào rám nắng, vẫn nụ cười thân mật ấy… có khác chăng là tóc trên đầu nhều người đã bạc.

Ngoài những người bạn Mỹ, tôi còn gặp lại ở đây những bạn Việt kiều từng quen biết khi lần đầu đem phim đến đây. Các anh chị nay đã nghỉ hưu. Công việc bận bịu nhất của họ là đi du lịch và nghiên cứu về Thiền. Một anh bạn bác sỹ cho biết sắp sang Mianma để vào chùa tu 3 tháng. Nhờ có internet họ biết rất rõ tình hình trong nước, không cần tôi phải thông tin.

Trong thời gian diễn ra Liên hoan phim, Bà Jeannete Paulson, Chủ tịch Hội hỗ trợ điện ảnh Châu Á (NETPAC) ở Mỹ, nguyên Chủ tịch đầu tiên của LHP QT Hawaii đã đứng ra tổ chức một buổi tiệc tối ( party ) mừng sinh nhật lần thứ 75 của tôi. Khi tôi vừa bước vào phòng tiệc thì các bạn bè đồng nghiệp đồng thanh cất lên bài hát Happy Birthday.

Tôi quá bất ngờ và cảm động, không biết nói gì hơn là ôm hôn tất cả mọi người. Sau đó hai nữ ca sỹ Hawaii cầm đàn ghi ta hát tặng tôi những khúc dân ca của người polynesien, thổ dân của đảo. Đời tôi may mắn có nhiều bạn bè khác quốc tịch mầu da, được chứng kiến những tình cảm thật nồng hậu của họ. Có được cái may mắn đó cũng đều nhờ những bộ phim mà tôi đã làm.

Chúng đã đi được vào lòng họ, chạm được vào trái tim họ. Vâng, tôi có biết bao kỷ niệm, bạn bè ở Honolulu. Honolulu là cái duyên và cũng là món nợ tinh thần của tôi, một món nợ mà không biết bao giờ mới trả hết.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh