Dân mạng phẫn nộ vì bài thơ "Lượm" bị biến tấu thành nhạc rác
(Dân trí) - Đoạn nhạc chế bài thơ "Lượm" đang lan truyền trên TikTok gây ra nhiều tranh cãi. Đây vốn là tác phẩm ý nghĩa của nhà thơ Tố Hữu nhưng lại bị mang ra biến tấu với ca từ vô nghĩa.
Lượm là một trong những bài thơ Việt Nam gây xúc động mạnh mẽ, được nhà thơ Tố Hữu sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, hình ảnh chú bé Lượm đã làm rung cảm tâm hồn người đọc bởi sự hồn nhiên, ngây thơ.
"Chú bé loắt choắt" đã hy sinh anh dũng trong một lần chuyển thư "thượng khẩn". Lượm trở về với mảnh đất của quê hương, nhưng sự hy sinh của em không phải là vô nghĩa mà rất đáng tự hào.
Tuy nhiên, bài thơ này đang bị "chế" thành một đoạn nhạc sáo rỗng. Thay vì nói về hình ảnh và dáng vẻ của chú bé đưa thư dũng cảm, câu thơ đã bị biến tướng để chỉ một kiểu tóc của các bạn trẻ. Đáng nói hơn, bài nhạc này lại được một bộ phận dân cư mạng đón nhận, lồng ghép vào những video với động tác nhảy nhót phản cảm.
Trước sự biến tấu phản cảm về bài thơ Lượm, nhiều ý kiến đã thể hiện sự phẫn nộ.
Tiktoker Hiếu Shyn sở hữu hơn 2,4 triệu người theo dõi trên TikTok chia sẻ tại kênh cá nhân của anh: "Lời bài hát không có một ý nghĩa gì cả, nhiều người bảo nó vô tri nhưng nó vui. Nó vui ở chỗ nào? Nó không hề vui. Bài thơ sáng tác về hình ảnh cậu bé giao liên Lượm hay tất cả những cậu bé giao liên khác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đấy là ngợi ca một hình ảnh đẹp, một hình ảnh biểu tượng của thế hệ thiếu niên yêu nước".
Hiếu Shyn cho rằng các bạn trẻ cần tỉnh táo khi lan truyền những âm thanh sáo rỗng về một bài thơ ý nghĩa.
Năm 2020, trong chương trình truyền hình Rap Việt mùa 1, rapper Dế Choắt lấy hình ảnh cậu bé Lượm làm hình tượng để thể hiện trong bài thi của mình. Anh đã làm rất tốt và trọn vẹn trong việc vẽ lại hình ảnh đẹp của Lượm theo cách mộc mạc và sáng tạo.
Nhưng bài nhạc chế về chú bé Lượm hiện tại trên TikTok lại đang lan truyền những câu thơ biến tấu về hình ảnh của một cậu bé dũng cảm, gan dạ.
Việc sử dụng nhạc chế hiện nay không phải xa lạ và cách đây nhiều năm, nhạc chế đã xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những bài nhạc chế lưu hành như vậy chỉ dừng lại ở truyền miệng chứ không nên trở thành xu hướng thịnh hành trên một nền tảng mạng xã hội được 49,9 triệu người sử dụng tại Việt Nam.
Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần kiểm soát những nội dung "bẩn", để xử lý triệt để những bài nhạc hay video vi phạm nội dung và xuyên tạc văn học Việt Nam.
Khánh Vân