Đắk Lắk: Truyền thuyết tình yêu giúp bảo vệ khu rừng nguyên sinh
(Dân trí) - Theo tương truyền của đồng bào Êđê nếu ai dám đến chặt gỗ, phá rừng tại núi Cư H’Lăm (buôn Măp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đều gặp phải quả báo vì đã phạm vào lời nguyền tình yêu của nàng H’Lăm với chàng Y Đhin năm xưa.
Truyền thuyết tình yêu lay động lòng người
Nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 15km, 1 khu rừng nguyên sinh xanh rì rộng trên 18ha cùng với thảm thực vật tươi tốt, với nhiều loại cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những loài động vật quý hiếm sinh sống. Khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ trước việc cánh rừng vẫn sừng sững trước thời gian mà không hề bị sự xâm hại của con người.
Khi được chúng tôi hỏi về việc núi Cư H’Lăm vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ và vẫn tươi tốt cho dù đang trong mùa khô hạn, già làng Y Ruê Mlô (66 tuổi, nhiều năm giữ chức trưởng buôn Măp) cho biết, dân làng nơi đây sở dĩ giữ được rừng bởi truyền thuyết tình yêu của nàng H’Lăm và chàng Y Đhin.
Rừng Cư H’Lăm tươi tốt với thảm thực vật đa dạng
Để tiếp câu chuyện, già làng Y Ruê kể bằng giọng chậm rãi, trầm ấm cho chúng tôi nghe về truyền thuyết kì lạ với đầy yếu tố tâm linh, ma mị nơi đây. Từ xưa, nơi đây là 1 vùng đất hoang vu, người dân Êđê sống chan hòa đầm ấm bên nhau, nhưng những người dân buôn làng đều phải tuân giữ mọi luật tục của làng, trong đó có luật những người thuộc anh em họ với nhau thì không được phép nảy sinh tình cảm và yêu thương nhau nếu phạm phải sẽ hứng chịu sự trừng phạt của cả buôn làng và thần linh.
Trong làng lúc bấy giờ, có chàng Y Đhin Niê nổi tiếng tài giỏi, cường tráng, sức khỏe phi thường, tính cách vô cùng hiền lành và nhất là chàng có đôi mắt rất đẹp, cuốn hút nên được nhiều cô gái trong buôn làng “thầm thương trộm nhớ”. Em họ của Y Đhin là nàng H’Lăm Niê, nàng là 1 cô gái vô cùng xinh đẹp, lại rất giỏi giang nàng dệt vải rất nhanh và rất đẹp, nàng còn có giọng hát cao vút như chim sơn ca trong rừng.
Nhưng “tiếng sét tình yêu” đã khiến Y Đhin và H’Lăm đem lòng yêu thương nhau, thề nguyền sống chết bên nhau. Sự việc “động trời” nhanh chóng bị dân làng phát hiện, nên cả 2 đã bị phạt rất nặng và cấm không được ở bên nhau. Quá đau buồn, chàng Y Đhin đã bỏ làng ra đi biệt tích, còn nằng H’Lăm cũng vì thương nhớ người yêu nên đã bỏ làng lên núi ngồi dưới gốc cây cổ thụ khó lóc thảm thiết, đầy ai oán. Nước mắt của nàng thấm ướt cả 1 vùng đất rộng lớn, khiến đất sụt lún thành dòng suối và hồ lớn nước, thân thể của nàng cũng tan biến vào dòng nước xanh biếc tự bao giờ.
Sau ba mùa rẫy bỏ làng ra đi, chàng Y Đhin quyết định quay về để đưa nàng H’Lăm đi đến nơi thật xa để chung sống hạnh phúc. Nhưng khi tới làng nghe tin nàng H’Lăm đã không còn, chàng vội chạy đến nơi nàng đã từng ngồi khóc, chàng thấy 1 dòng suối chảy róc rách như ai oán chảy vào hồ nước lớn như tiếng khóc của nàng H’Lăm. Vì quá thương nhớ và yêu H’Lăm nên chàng đã trầm mình dưới dòng suối nhiều ngày liền cho đến khi thân thể chàng cũng tan vào dòng suối. Linh hồn của cả 2 hòa nhập vào cả khu rừng, khiến ngọn núi trở nên linh thiêng khác lạ, mùa xuân hương thơm lan tỏa khắp nơi, ngày nắng núi đổ mưa như tiếng khóc của nàng H’Lăm, tất cả mọi biến chuyển của khu rừng được ví như tâm trạng của nàng H’Lăm.
Hồ nước rộng 15ha được xem do nước mắt của nàng H’Lăm tạo nên
“Kể từ đó ngọn núi này mang tên là núi Cư H’Lăm, hồ nước rộng lớn dưới chân núi gọi là hồ H’Lăm hồ nước này được người dân dùng lấy nước tưới cà phê nhưng chưa bao giờ cạn. Ngọn núi này còn để nhắc nhớ người dân làng tưởng nhớ về tình yêu đầy lòng thủy chung của chàng Y Đhin và nàng H’Lăm năm xưa nhưng cũng để răn dạy dân làng không được phạm vào luật tục”, già làng Y Ruê nói.
Lời nguyền góp phần bảo vệ khu rừng
Theo người dân buôn Măp, khu rừng Cư H’lăm ẩn chứa nhiều điều kỳ bí mà họ không thể lý giải được. Nếu ai đi vào rừng chỉ cần vô tình hay hữu ý nhắc đến tên của nàng H’Lăm và chàng Y Đhin thì lập tức đầu óc trở nên u mê, trống rỗng không tài nào nhớ được đường để đi về nhà, chỉ khi làm lễ cúng xin tha tội mới được trở về. Một điều lạ lùng nữa, là nếu bất kỳ ai chặt cây rừng về đều gặp tai họa, “nếu lấy gỗ về làm nhà, làm lán đều bị voi đến phá nát hoặc bị lửa thiêu rụi hoàn toàn thậm chí còn bị bệnh vô phương cứu chữa”, già làng Y Ruê kể lại.
Già làng Y Ruê kể lại sự tích tình yêu đầy huyền bí
Rừng có nhiều loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi nhưng ít ai dám xâm phạm.
Tại hồ nước ở khu rừng có rất nhiều khoai môn nước, nhưng người dân chỉ được phép lấy đem luộc rồi ăn tại chỗ chứ dứt khoát không được đem về, nếu không sẽ mắc tai họa cho bản thân. Ngọn núi cũng có rất nhiều động vật quý hiếm sinh sống, nhưng hầu như không ai dám săn bắt, nếu vi phạm sẽ bị phát điên không ngừng.
Theo già làng, cách đây chừng 10 năm về trước có 1 người dân trong làng vào rừng chơi và có bắt 1 con rùa màu vàng đem về nhà, sau đó người này bỗng dưng hóa điên dại, người nhà đã mang rùa vào thả lại vào rừng nhưng người này không thể quay trở lại bình thường được. Chính vì những điều xui sẻo, bất hạnh cho ai có ý đồ xấu với núi Cư H’Lăm nên từ trước đến nay dù cho rừng có nhiều loại cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi nhưng ít ai dám bén mảng vào rừng để phá rừng hay săn bắt động vật, chính vì vậy nét hoang sơ nguyên thủy của ngọn núi vẫn được giữ nguyên đến bây giờ.
Theo thống kê sơ bộ của hạt kiểm lâm huyện Cư M’Gar, hệ sinh thái trên núi Cư H’Lăm rất đa dạng, núi có 112 loài cây, trữ lượng gỗ gần 400m3/ha. Trong đó, có nhiều loại gỗ quý, có giá trị như gõ mật, gạo đỏ, xoan mộc, cà te… các loại động vật như kỳ đà, nhím, trăn, hằng trăm loại chim.. sinh sống tại đây.
Ông Trần Cư – Giám đốc Lâm trường Cà phê Ea Pốk, đơn vị được giao quản lý núi Cư H’Lăm chia sẻ: Người dân địa phương rất có ý thức bảo vệ rừng, phía lâm trường cũng đã tiến hành trồng trên 1.000 cây sao, dầu giúp phủ xanh núi. “Vừa qua, cũng có 1 số lâm tặc từ nơi khác đến chặt phá rừng, nhưng đều được ngăn chặn kịp thời. Do rừng nằm gần khu dân cư, cũng sát lâm trường nên sự tuần tra, kiểm soát khá thuận lợi. Nhưng không thể phủ định yếu tố tâm linh có phần hơi hoàng đường về sự hình thành ngọn núi Cư H’Lăm đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ khu rừng nguyên sinh này”, ông Cư nhấn mạnh.
Ông Bùi Thanh Thịnh – Chủ tịch thị trấn Ea Pốk cho biết: “Giai thoại về núi Cư H’Lăm được người dân nơi đây đồn đại rất nhiều.Tuy nhiên, việc rừng tồn tại giữa lòng thị trấn suốt mấy chục năm qua mà không hề bị tàn phá có công rất lớn của Lâm trường cà phê Ea Pốk và hạt kiểm lâm huyện Cư M’gar đã phối hợp vận động người dân về ý thức bảo vệ rừng và tăng cường kiểm soát, kịp thời ngăn chặn hành vi phá rừng”.
Vào tháng 9/2009,UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định, công nhận Cư H’Lăm là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Điều này đã khiến người dân nơi đây vô cùng tự hào và càng dâng lên quyết tâm bảo vệ “báu vật” rừng xanh thiêng liêng này mãi trường tồn với thời gian.
Trương Nguyễn