Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần 9: Sẽ bầu BCH mới vào ban ngày!
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội cho biết năm nay sẽ tiến hành bầu Ban chấp hành mới vào ban ngày, thay vì… buổi tối như những lần trước, gây mệt mỏi cho đại biểu.
Tổ chức 5 năm một lần, Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 sẽ diễn ra từ 9 đến 11/7. Sáng 3/7 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo trước thềm đại hội do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội, chủ trì.
Lần thứ 9 được tổ chức, Đại hội diễn ra trong 3 ngày từ 9 đến 11/7, bế mạc chiều 11/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Lê Hồng Phong, Hà Nội. Các đại biểu từ các địa phương trong cả nước sẽ tập trung về Hà Nội vào chiều 8/7.
“Muốn được giải cao thì phải viết hay hơn”
Năm 2010, nhân Đại hội Hội Nhà văn lần 8, Thể thao & Văn hóa có bài viết với cái tít hài hước Lắm chuyện nhất là... Hội Nhà văn, trong đó liệt kê nhiều vấn đề nóng của Hội trong mỗi lần đại hội: số lượng, nhân sự, trẻ già…
Trong các hội nghề nghiệp văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn thường nhiều vấn đề, gây tranh cãi trong và ngoài Hội, các hội viên thì… nhiều chữ, lắm lý lẽ. Nói ngắn gọn là “lắm chuyện”. Năm nay, Đại hội chưa diễn ra nhưng trong cuộc họp báo 3/7, giới báo chí và nhà văn cũng kịp đưa ra nhiều đề tài gây tranh luận trong thời gian qua.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (phải) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong cuộc họp báo sáng 3/7
Đặt câu hỏi cho Ban chấp hành, nhà phê bình Văn Chinh nhắc đến những “ì xèo” xung quanh Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hàng năm. Chẳng hạn, năm 2013, hai tác giả Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam từ chối bằng khen của Hội cho các tác phẩm của họ.
Trả lời vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: “Không phải giải năm nào cũng có ì xèo. Có những tác giả công nhận giải thưởng, đặc biệt là những người được giải cao như giải A, B… thì không từ chối bao giờ. Chỉ có một số người từ chối giải Khuyến khích, nhưng nếu muốn được giải cao thì phải cố gắng viết hay hơn”.
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bình luận: “Ì xèo cũng là một từ thú vị, tức là có phản biện, tranh luận về giải thưởng, thể hiện tính dân chủ. Ít có tác phẩm nào nhận được 100% phiếu bầu cho giải thưởng, cho thấy các thành viên Ban chấp hành cũng có ý kiến khác nhau về đánh giá chuyên môn, đồng thời chưa có tác phẩm đủ xuất sắc để thuyết phục được tất cả”.
Nhân sự luôn là vấn đề nóng
Hiện nay, số hội viên hội nhà văn đã vượt quá 1.000, cụ thể là 1.014 hội viên. Việc bầu chọn đại biểu từ các hội địa phương ra Hà Nội dự Đại hội cũng phức tạp hơn.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đã có danh sách 539 đại biểu nhưng chưa thể công bố vì con số và đại biểu có thể thay đổi trước ngày khai mạc 9/7. Có những đại biểu đã được đưa vào danh sách nhưng lại từ chối vì sức khỏe hoặc bận việc riêng, cũng có người không đủ số phiếu bầu ở địa phương nhưng lại được Ban chấp hành Hội đề nghị tham dự.
Lần thứ 9 này, số hội viện quá đông nên không thể “đinh ninh ai cũng biết rõ ai”, như lời nhà thơ Hữu Thỉnh. Vì vậy, Hội hứa cung cấp danh sách chi tiết các đại biểu kèm lời giới thiệu.
Vì nhân sự là một trong những công việc quan trọng nhất của Đại hội, Chủ tịch Hội cho biết năm nay sẽ tiến hành bầu Ban chấp hành mới vào ban ngày, thay vì… buổi tối như những lần trước, gây mệt mỏi cho đại biểu.
Số là, tại kỳ Đại hội trước (năm 2010), do Ban kiểm phiếu chưa được thuần thục nên mặc dù đông tới 54 người, và với số phiếu thu về chỉ là 693, vậy mà phải mất tới... 7 tiếng đồng hồ mới kiểm đếm xong. Kết cục, tới khi kết quả được công bố thì đã gần 7 giờ tối. Lúc này, các đại biểu, đa phần đều từ tuổi lục tuần trở lên đã thực sự... oải (vừa mệt vừa đói). Vậy mà ngay sau đấy, họ lại phải tiếp tục lao vào cuộc bỏ phiếu chính thức. Các thành viên tổ kiểm phiếu được kêu gọi hãy sẵn sàng làm việc... qua đêm. Chính vì thời gian muộn như vậy, nên việc phát phiếu còn lộn. Thật may là Đại hội năm 2010 đã bầu đủ 15 thành viên cho BCH như đã thống nhất.
Về trường hợp một số nhà văn “tuyên bố xin rút khỏi hội” như một phóng viên đặt câu hỏi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Mỗi tổ chức đều có cương lĩnh, điều lệ dựa trên luật pháp của Nhà nước buộc phải tuân thủ. Nếu xin rút khỏi hội, hội viên cần gửi đơn, Ban chấp hành sẽ xét duyệt qua nhiều cấp. Ban chấp hành không ngại, nhưng tất cả phải tôn trọng luật pháp và điều lệ”.
Một vài số liệu về Hội Nhà văn trước Đại hội 2015: - Hội hiện nay có 1.014 hội viên - Dự kiến có 539 đại biểu dự đại hội 9 - Trong nhiệm kỳ 5 năm 2010-2015, Hội Nhà văn chi 24 tỷ đồng để hoạt động. Có 175 hội viên mới, 1.127 tác phẩm mới, tổ chức 19 trại sáng tác. Hội đưa 105 tác giả đi giao lưu nước ngoài và đón 37 đoàn tác giả quốc tế đến Việt Nam. |
Theo Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa