Lào Cai:
Đặc sắc Liên hoan nghệ thuật diễn xướng nghi lễ chầu văn đền Bảo Hà mở rộng
(Dân trí) - Chương trình được thực hiện với mục đích góp phần tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Tối qua 25/4 tại Đền Bảo Hà, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai đã diễn ra chương trình Liên hoan nghệ thuật diễn xướng nghi lễ chầu văn đền Bảo Hà mở rộng do Trung tâm Bảo tồn & Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam và Ban quản lý Đền Bảo Hà tổ chức. NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật.
Nghệ thuật diễn xướng nghi lễ chầu văn là loại hình đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
Chương trình được thực hiện với mục đích góp phần tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời là cơ hội tốt để các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian chung tay gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại, kết nối mở rộng tầm ảnh hưởng của di sản phi vật thể hơn nữa đến cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế.
Liên hoan nghệ thuật diễn xướng nghi lễ chầu văn đền Bảo Hà mở rộng nằm trong sự kiện "Linh thiêng Bảo Hà" tại huyện Bảo Yên, Lào Cai và công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý di tích và Phát triển du lịch huyện Bảo Yên; Quyết định công nhận Điểm du lịch đền Bảo Hà; Quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Làng Lúc. Đây được coi là tiền đề giúp cho huyện Bảo Yên phát triển du lịch đồng bộ, trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch của tỉnh Lào Cai và toàn quốc.
Đền Bảo Hà đã được xếp hạng là Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia được xây dựng dưới chân đồi núi Cấm, bên cạnh dòng sông Hồng chảy vào đất Việt. Đền thờ thần Vệ quốc quân Hoàng Bảy. Đây là địa chỉ thu hút khách thập phương đông nhất trong nghi lễ thờ Tứ phủ của người Việt.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn & Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam đã tôn vinh và góp phần làm lan tỏa thêm sự đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu bằng việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật diễn xướng nghi lễ chầu văn đền Bảo Hà mở rộng.
Các tiết mục tại chương trình nghệ thuật đã tái hiện nhiều lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa phi vật thể, đặc biệt là loại hình nghệ thuật hát chầu văn, văn hóa hầu đồng đã góp phần tôn vinh những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
Trong hai ngày diễn ra sự kiện đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, khách thập phương cùng sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, ca sỹ, diễn viên đến từ nhiều tỉnh thành. Đây là dịp để nhân dân và du khách được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các nghệ nhân có dịp được học hỏi trao đổi kinh nghiệm, qua đó phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhiều tiết mục là các giá văn đặc sắc đã được các nghệ nhân mang đến Liên hoan được khán giả chờ đón, càng cho thấy sức hấp dẫn của loại hình sân khấu đặc biệt này. Như Giá văn "Chúa Đông Cuông" của nghệ nhân, đồng thầy Trần An Đức Hạnh đến từ Hà Nội; "Quan lớn Đệ Tam" của nghệ nhân, đồng thầy Đinh Trọng Hiếu (Ninh Bình); "Cô bé Tân An" của nghệ nhân Hoàng Lương Nguyên (Hà Tĩnh); "Chầu Tám Bát Nàn" của nghệ nhân dân gian Phùng Minh Chiến (Phú Thọ); Chầu Lục của nghệ nhân Tạ Quang Thành (Hải Dương); Ông Hoàng Mười của nghệ nhân dân gian Hoàng Tiến Hưng; Nghệ nhân, đồng thầy Hoàng Xuân Mai đến từ Hà Nội trình diễn hai tiết mục đặc sắc là giá văn "Chầu Đệ Nhị" và "Ông Hoàng Bảy", ca ngợi ân đức của tiền nhân đã có công gìn giữ quê hương đất nước.
Chia sẻ cảm xúc về Liên hoan nghệ thuật diễn xướng nghi lễ chầu văn đền Bảo Hà mở rộng, nghệ nhân, đồng thầy Hoàng Xuân Mai cho biết: "Thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt có từ lâu đời nhằm tưởng nhớ ân đức của tiền nhân đã có công với dân tộc, trong hệ thống thờ tứ phủ là tái hiện lại các hình tượng, các bậc tiên thánh nam thần và nữ thần như các vị quan lớn, bà chúa, ông Hoàng, thánh Cô, thánh Cậu.
Đặc biệt, thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và tôi rất vui vì được là một phần của giá trị di sản ấy.
Liên hoan đã quy tụ được các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đã có nhiều năm bảo tồn và gìn giữ nét trong sáng của đạo Mẫu cũng là dịp để chúng tôi giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức để gìn giữ và phát huy cái hay cái đẹp của đạo Mẫu".
Gần 40 năm gắn bó với Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đến nay dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân, thanh đồng Trần An Đức Hạnh (Hà Nội) vẫn vẹn nguyên tâm huyết như những ngày đầu.
Nghệ nhân chia sẻ: "Liên hoan là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá du lịch tâm linh trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Lễ hội cũng là dịp để khơi dậy ở người dân phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy lòng tự hào dân tộc, gìn giữ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân các dân tộc trong và ngoài địa phương".