Đà Nẵng sẽ thu hồi dự án khu nhà hàng - bến du thuyền trước Thành Điện Hải?
(Dân trí) - Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã làm việc với chủ đầu tư và đặt vấn đề thu hồi dự án khu nhà hàng - bến du thuyền ven sông Hàn ở đường Bạch Đằng, khu vực trước di tích Thành Điện Hải - di tích của Đà Nẵng vừa được công nhận là di tích văn hóa lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.
Dự án khu nhà hàng - bến du thuyền nói trên được biết là do công ty TNHH I.V.C của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") làm chủ đầu tư.
Tại cuộc họp báo Quý I năm 2018 vừa diễn ra vào ngày 10/4, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã cho biết thông tin như trên khi báo chí đặt câu hỏi về việc tồn tại nhiều công trình đồ sộ ở vùng đệm của di tích Thành Điện Hải có đúng Luật Di sản quy định đối với một di tích vừa được công nhận là di tích văn hóa lịch sử đặc biệt cấp quốc gia hay không?
Nói về quy định của Luật Di sản và hiện trạng của di tích Thành Điện Hải, đại diện lãnh đạo ngành chức năng, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng cho biết: Theo Luật Di sản, một di tích lịch sử phải có hai vùng bảo vệ. Vùng bảo vệ 1 là yếu tố gốc cấu thành di tích (phạm vi bên trong Thành Điện Hải). Vùng bảo vệ 2, gọi là vùng đệm, co giãn từ di tích ra 50 mét.
Tuy nhiên, do lịch sử để lại, thực tế tại khu di tích Thành Điện Hải hiện nay có tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố chỉ cách tường thành 5 - 7 mét (nằm trong vùng đệm). Vì là lịch sử để lại như thế nên phải chấp nhận.
“Trước khi xây dựng tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố, nếu đặt vấn đề này ra thì tốt hơn. Còn bây giờ thì đây là tồn tại của lịch sử thì phải tạm chấp nhận như thế” - ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Chia sẻ thêm thông tin về di tích này, đại diện lãnh đạo chính quyền thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng thừa nhận thực tế tòa nhà Trung tâm Hành chính nằm trong vùng bảo vệ 2 (vùng đệm) của di tích Thành Điện Hải, nhưng tòa nhà đã xây xong và đưa vào hoạt động lâu rồi thì rất khó để đúng quy định Luật Di sản đối với di tích vừa mới được công nhận là di tích văn hóa lịch sử đặc biệt cấp quốc gia vào ngày 29/3 vừa qua này. Tuy nhiên, ông Thơ cũng chia sẻ, chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực để thực hiện dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải, cùng lúc với việc di tích được công nhận là di tích văn hóa lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.
Cụ thể, Đà Nẵng đã tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho 80 hộ dân xung quanh Thành Điện Hải để khôi phục lại di tích. Bên cạnh đó, thành phố đã từng tính xây một trung tâm lưu trữ hồ sơ ngay gần tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố tại khu đất của câu lạc bộ thể thao Thái Phiên trước đây; nhưng thành phố đã hủy dự tính này để dành đất trống cho vùng đệm.
Ngoài ra, ông Thơ chia sẻ thêm thông tin chính quyền thành phố đã làm việc với chủ đầu tư và đặt vấn đề thu hồi dự án khu nhà hàng bến du thuyền trên đường Bạch Đằng, để làm thông thoáng hơn khu vực trước di tích Thành Điện Hải.
Tâm An