Đà Nẵng: Phát lộ một phần móng tường hào bị vùi lấp của thành Điện Hải

(Dân trí) - Trong quá trình thi công dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải” tại Đà Nẵng, đơn vị tư vấn thi công cho biết, đã đào xuất lộ một phần gạch móng được cho là móng của tường hào bị vùi lấp, xâm lấn theo thời gian của di tích quốc gia đặc biệt này.

Chiều 10/5, Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng tổ chức cuộc họp về hiện trạng và đề xuất phương án tu bổ, phục hồi thành Điện Hải. Thông tin đơn vị thi công đào xuất lộ một phần móng của tường hào Thành Điện Hải bị vùi lấp, xâm lấn theo thời gia được đưa ra bàn thảo “nóng” tại cuộc họp.

Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng họp về hiện trạng tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải chiều 10/5
Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng họp về hiện trạng tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải chiều 10/5

Cụ thể, theo báo cáo hiện trạng thi công tu bổ, phục hồi và tôn tạo Thành Điện Hải giai đoạn 1 (khởi công từ ngày 29/3/2018), đơn vị thi công đã đào xuất lộ phần móng tường hào có chiều dài hơn 130 mét, được xây bằng gạch truyền thống, vữa tam hợp với nhiều loại kích thước khác nhau.

Sau khi đo vẽ, định vị và đối chiếu với vị trí, cấu tạo của tổng thể di tích và những luận cứ về lịch sử, đơn vị tư vấn giám sát công trình khẳng định đây là một phần cấu tạo nên tường hào thuộc di tích thành Điện Hải và là yếu tố gốc đã bị vùi lấp và bị người dân xây nhà chồng lấn lên trong thời gian qua.

Đồng thời, đơn vị thi công cũng phát hiện phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía Tây thành Điện Hải, đối chiếu kích thước, cấu tạo phần móng gạch so với cầu dẫn từ hào vào thành ở cửa phía Đông thì khá tương đồng.

Đà Nẵng: Phát lộ một phần móng tường hào bị vùi lấp của thành Điện Hải - 2
Đà Nẵng: Phát lộ một phần móng tường hào bị vùi lấp của thành Điện Hải - 3
Đơn vị thi công đã đào xuất lộ một phần móng tường hào thành Điện Hải bị vùi lấp, xâm lấn theo thời gian
Đơn vị thi công đã đào xuất lộ một phần móng tường hào thành Điện Hải bị vùi lấp, xâm lấn theo thời gian

Từ kết quả phát lộ này, có ý kiến cho rằng đây có thể là dấu hiệu chỉ báo cửa thứ 3 của thành Điện Hải, ngoài 2 cửa thành đã được xác định.

Phát biểu tại cuộc họp, TS.KTS Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện Viện Bảo tồn di tích cho rằng công tác thám sát khảo cổ học trước khi triển khai trùng tu phục hồi và tôn tạo Di tích thành Điện Hải hết sức ý nghĩa bởi vì phương án thiết kế ban đầu chưa đánh giá hết được diện mạo của thành Điện Hải. Do đó, những phát lộ ban đầu, những dấu vết khảo cổ là căn cứ để khôi phục phần nào dáng vẻ của thành Điện Hải.

Đối với giả thiết thành Điện Hải còn có cửa thứ 3, TS. KTS Hoàng Đạo Cương cho rằng vẫn chưa đủ cơ sở khoa học để xác định đó là cổng thành phía Tây để tiến hành khôi phục lại. Trước mắt nên bảo quản dấu vết khảo cổ này, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhiều chiều trước khi có kết luận chính thức.

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết: Trên cơ sở báo cáo đánh giá hiện trạng những phát hiện này cũng như lấy ý kiến góp ý của các nhà chuyên môn, đơn vị tư vấn, Sở sẽ có báo cáo với Bộ VH-TT&DL và xin ý kiến tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ thiết kế công trình Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích thành Điện Hải. Sở cũng sẽ phối hợp với Ban quản lý dự án thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính chân xác cho di tích, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di tích.

Khánh Hiền