Cựu ca sĩ Sao Mai tâm sự về nghề giáo
(Dân trí) - Ca sĩ Lê Anh Dũng, Phương Thanh và Lương Nguyệt Anh hiện đang là những giảng viên trẻ của 3 trường đại học nổi tiếng về thanh nhạc ở Hà Nội. Cả 3 đã chia sẻ những nỗi niềm riêng của mình về công việc “chèo đò” trên “bến chữ” của mình nhân dịp 20/11.
Anh/chị đến với nghề giáo như thế nào?
Lê Anh Dũng: Vì muốn truyền lại những gì mình được học, những kinh nghiệm sân khấu và những kỹ năng xử lý tác phẩm cho các bạn yêu ca hát và muốn theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp nên tôi đã quyết định phấn đấu để ở lại trường Học viện Âm nhạc quốc gia làm giảng viên. Một phần nữa, tôi nghĩ khi mình dạy học cũng là đang rèn luyện những kỹ thuật - kỹ năng xử lý tác phẩm và chính điều này đã giúp người ca sỹ luôn giữ được phong độ đối với nghề.
Phương Thanh: Tôi mang duyên nợ với nghề giáo khi còn là sinh viên khoa Sư phạm Nhạc trường Văn hoá - Nghệ thuật Nghệ An. Sau khi ra trường tôi chọn nghiệp biểu diễn và theo đuổi nó. Đến giờ sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia, nghề giáo lại đến với tôi như một duyện kỳ ngộ vì ngọn lửa "truyền nghề" vẫn chưa bao giờ tắt trong tôi. Tôi hiện đang giảng dạy tại khoa Thanh nhạc trường ĐH Văn hoá Hà Nội.
Lương Nguyệt Anh: Khi còn là sinh viên của Học viên Âm nhạc quốc gia tôi đã có mơ ước trở thành một nghệ sĩ biểu diễn và một người giáo viên để truyền đạt lại những kinh nghiệm (dù là ít ỏi) mà mình đã có được cho các em tiếp bước. Sau khi tốt nghiệp hệ Đại học, tôi đã quyết định chọn trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật quân đội để giảng dạy. ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội là trường là nôi đào tạo ra nhiều giọng ca xuất sắc cho nền âm nhạc lại vừa là môi trường quân đội để tôi có thể rèn dũa bản thân trưởng thành hơn...
Anh/chị cảm nhận như thế nào về nghề giáo khi đã là một giảng viên?
Lê Anh Dũng: Nghề giáo là một nghề rất vất vả, nhất là đối với việc đào tạo nghệ thuật. Để đào tạo ra được một người nghệ sỹ đơn giản chỉ là để họ kiếm sống được bằng nghề đã khó chứ chưa nói đến việc đào tạo họ trở thành một ngôi sao ca nhạc vì điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: năng khiếu, sự đam mê, lòng nhiệt huyết và sự may mắn nữa. Nhiều em thi đỗ vào trường nhưng khả năng và sự đam mê nhiệt huyết với nghề không có, lại không chịu tập luyện và lĩnh hội các kiến thức cơ bản nên dần tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Bên cạnh đó, có những em giọng rất tốt, chịu khó rèn luyện nhưng điều kiện gia đình khó khăn phải làm thêm kiếm sống ảnh hưởng đến việc học... là một người thầy, tôi rất xót xa khi chứng kiến những hoàn cảnh sinh viên như vậy.
Phương Thanh: Việc đem kiến thức và kinh nghiệm của mình truyền đạt cho các thế hệ sinh viên và tạo ra những hạt giống tài năng cho nền nghệ thuật nước nhà là việc làm vô cùng ý nghĩa. Nhưng cũng vô cùng vất vả bởi nghệ thuật là năng khiếu và cảm nhận. Sinh viên có chút năng khiếu cộng với chăm chỉ sẽ tạo rất nhiều cảm hứng cho giảng viên, còn nếu học sinh hạn chế và lười biếng sẽ biến việc dạy - học trở nên nặng nề, mệt mỏi. Nếu không kiên nhẫn thì không thể làm được nghề giảng dạy âm nhạc.
Lương Nguyệt Anh: Khi đã trở thành một người giáo viên tôi mới thấu cảm được hết những nỗi niềm của nghề giáo. Bên cạnh niềm vui khi được mang kiến thức trao lại cho các em đi sau thì cũng nhiều trăn trở, lo lắng với nghề... Niềm vui mỗi buổi lên lớp là được thấy các em trưởng thành hơn mỗi ngày nhưng không phải học sinh nào cũng có thể tiếp nhận được ngay. Có một điều là nói về sự được - mất khi trở thành một giảng viên, tôi nghĩ nghề giáo đã mang lại cho tôi nhiều thứ. Chính những giờ lên lớp là những lúc tôi được rèn luyện để trưởng thành.
Anh/chị phân chia thời gian cho công việc giảng dạy và công việc ca hát như thế nào?
Lê Anh Dũng: Việc dạy học ở môi trường nghệ thuật cũng hơi khác so với các nghành nghề khác. Vì dạy chuyên nghành nên các thầy cô có thể chủ động được thời gian. Quan trọng là vẫn phải đảm bảo chất lượng học tập và đủ số tiết cho các em. Chính điều này là một yếu tố thuận lợi cho một người giáo viên kiêm là một ca sỹ vẫn thường xuyên đi biểu diễn.
Lương Nguyệt Anh: Bước ra cuộc từ thi Sao Mai 2011 cho đến nay tôi cũng đã tạo dựng được cho mình một chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc. Công việc biểu diễn cũng nhờ đó mà ngày càng thường xuyên và nhiều hơn. Những khi việc diễn hoặc phải đi diễn ở các tỉnh xa trùng với lịch dạy học tại trường thì tôi luôn cố gắng để dạy bù cho các em (có thể tại nhà riêng) để các em luôn đảm bảo được số buổi học và được học theo đúng số tiết được nhà trường xếp lịch.
Phương Thanh: Thời gian lên lớp của tôi không quá dày đặc nên tôi vẫn có thể chủ động sắp xếp thời gian dành cho gia đình và công việc biểu diễn. Dạy năng khiếu có một đặc thù là giảng viên phụ trách rất ít sinh viên nên việc bố trí công việc không khó khăn lắm.
Có kỷ niệm nào (vui hoặc buồn) mà anh/chị nhớ nhất kể từ khi bước chân vào nghề giáo đến nay?
Lê Anh Dũng: Nghề giáo trong môi trường nghệ thuật thì cũng nhiều niềm vui và cũng không ít nỗi buồn. Vui vì được chứng kiến những thành quả của thầy và trò đó chính là những giải thưởng tại các cuộc thi mà các em dành được. Đó chính cũng là niềm tự hào của một người thầy. Nhưng có lẽ kỷ niệm nhớ nhất thì thường là những kỷ niệm buồn khi mà tôi phải đấu tranh và suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra một lời khuyên có phần hụt hẫng cho các em sinh viên. Tôi đã vài lần khuyên các sinh viên của mình rằng nên dừng lại và tìm một công việc phù hợp với khả năng của mình, tránh phí hoài tuổi trẻ vào một đam mê mà nó vượt quá khả năng của mình vì nghệ thuật chỉ thích không thì chưa đủ. Và cũng may là các em cũng đã nhận ra điều đó, một số em cũng đã tìm cho mình những lối rẽ tốt hơn cho bản thân.
Phương Thanh: Tôi nhớ mãi một kỷ niệm trong những ngày mới vào giảng dạy tại Đại học Văn hoá Hà Nội đó là khi được khoa phân công tham gia chương trình văn nghệ cùng các em sinh viên, một bạn sinh viên đến cạnh tôi hỏi "Bạn học khoa nào?". Tôi bị đứng hình trong vài giây rồi trả lời "Mình học khoa giảng viên bạn ạ". Bạn ấy khá bối rối khi nghe câu trả lời từ tôi và luôn miệng xin lỗi rồi thanh minh "Tại cô trẻ quá làm em tưởng là sinh viên". Cô trò chúng tôi đã được một trận cười đầy vui vẻ.
Theo anh/chị, để có thể hoàn thành tốt vai trò của một người giáo viên, vừa hoàn thành tốt vai trò của một nghệ sĩ biểu diễn… thì người nghệ sĩ cần phải có những gì?
Lê Anh Dũng: Để vừa hoành thành tốt công việc của một giảng viên, vừa hoàn thành tốt vai trò của một nghệ sỹ biểu diễn thì không có cách nào khác là hai nghề này phải song hành với nhau vì chúng bổ trợ cho nhau rất tốt. Với vai trò của một người nghệ sỹ biểu diễn chính là anh đang trau dồi công việc của một người thầy và khi ở vai trò của một người thầy tức là anh đang trang bị cho người nghệ sỹ một bệ phóng vững chắc và lâu dài đối với nghề của họ. Một điều quan trọng nữa là luôn giữ được lửa đam mê và nhiệt huyết của mình với 2 nghề đó.
Phương Thanh: Bất cứ nghề gì cũng cần phải tâm huyết và say mê thì mới thành công được. Tôi luôn tâm niệm rằng mình dành thật nhiều tình yêu cho nghề thì mình sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.
Lương Nguyệt Anh: Như tôi đã nói, nếu không biết sắp xếp thời gian phù hợp thì sẽ rất khó để hoàn việc biểu diễn và việc giảng dạy. Nhưng việc nào cũng thế, để làm tốt được mỗi việc trước hết phải thực sự đam mê. Với tôi việc biểu diễn là một đam mê đến cháy bỏng. Có nhiều giai điệu, ca từ, bài hát… mà ngay đến khi ngủ tôi cũng mơ thấy mình đang biểu diễn (cười). Còn công việc giảng dạy cũng chỉ mới bắt đầu được thời gian ngắn thôi. Tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều để công việc giảng dậy của mình ngày càng tốt hơn. Tôi tin rằng, với tình yêu âm nhạc và với nghề giáo, tôi sẽ làm tốt được cả hai vai trò.
Cám ơn các anh/chị đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long