Cuốn sách đầy tinh hoa của tác giả Hàm Châu

(Dân trí)- Cuốn sách “Trí thức tinh hoa đương đại Việt Nam- một số chân dung” sẽ đưa đến cho độc giả những thông tin giá trị về những trí thức tiêu biểu của Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến nay như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di…

Hội chợ sách toàn quốc lớn nhất trong năm hiện đang diễn ra từ 24-31/3/2014 tại TpHCM. Tại hội chợ Sách lần này, nhà xuất bản Trẻ giới thiệu cuốn sách mới in của tác giả Hàm Châu, “Trí thức tinh hoa đương đại Việt Nam - Một số chân dung”, dày hơn 1.200 trang, cùng với 150 bức ảnh chân dung có tính lịch sử độc đáo, về nhiều trí thức tiêu biểu của nước ta từ Cách mạng Tháng Tám đến nay.
 
Tác giả Hàm Châu
Tác giả Hàm Châu

Họ là những người thuộc thế hệ tri thức đầu tiên như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỷ, Đỗ Tất Lợi, Phạm Ngọc Thạch,

Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Nguyễn Thúc Hào, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Đỗ Nhuận... Qua thế hệ thứ hai trưởng thành sau ngày Hà Nội giải phóng như Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Đặng Hữu, Vũ Đình Cự, Đào Thế Tuấn, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Hường... và cả những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài như Trịnh Xuân Thuân, Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc, Phạm Quang Hưng... cho đến những trí thức thuộc trẻ hơn như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Đặng Thái Sơn, Vũ Hà Văn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Nguyễn Trọng Hiền...

Cuốn sách không phải là sự tổng hợp những bài nghiên cứu "khô khan" về thân thế và sự nghiệp viết theo lý lịch hoặc tài liệu gián tiếp, mà là những bức tranh chân dung bằng ngôn từ, sống động, với phong cách riêng của tác giả, kể về những lần gặp mặt, chuyện trò trực tiếp với các nhân vật ấy. Thể loại mà tác giả chọn là thể ký văn học chân dung người đương thời, vừa có tính lịch sử chuẩn xác của thể ký, vừa được thể hiện bằng ngôn từ văn học, cùng với những bức ảnh chân dung, phần lớn còn chưa công bố trên sách báo.
 
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách
 
Khi còn là một phóng viên trẻ, tác giả Hàm Châu đã có dịp "chịu chuyện" các nhân vật mà hiện nay phần lớn đã là người quá cố.
 
 

“Có lẽ ngoài ý đồ của tác giả, tác phẩm hấp dẫn này - công phu một đời người - lại là một bích họa hoành tráng phản ánh giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại. Vì các vị trí thức đề cập trong sách này đều là chứng nhân và tác nhân của thời đại. Cuốn sách gây niềm tự hào và niềm tin vào dân tộc cho tất cả người Việt trong và ngoài nước, đồng thời nêu những gương sáng cho các thế hệ trẻ và cho mai sau.

Bút pháp của Hàm Châu đầy cảm xúc khi kể về con người, lại chính xác, khoa học khi kể về những công trình và thành tựu - kết hợp đầu óc hình học (esprit de géométrie) và đầu óc tinh tế (esprit de finesse), nói theo Pascal”.

HỮU NGỌC

Tác giả Wandering through Vietnamese Culture/ À la découverte

de la culture du Vietnam/ Lãng du trong văn hóa Việt Nam

 

“Dù viết về địa hạt khoa học cơ bản hay kỹ thuật, hay y - dược, v.v., ông vẫn có lối diễn đạt giàu hình tượng. Người đọc cảm thụ tác phầm ký chân dung của Hàm Châu không chỉ nhận diện một cách thú vị những gương mặt trí thức tài năng, mà còn được cảm thụ nghệ thuật ngôn từ của cây bút chuyên sâu đề tài đặc biệt này.

Cái khó ở đây là viết về các nhà khoa học mà làm sao vẫn có chất văn học. Có lẽ chỉ bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ mới giúp tác giả dung hòa được hai mặt tưởng như đối lập ấy. (…). Ngôn ngữ trong ký chân dung của Hàm Châu không phai màu uyên thâm bác học cho dù nó được diễn đạt nhún nhường bằng một giọng văn chương bình dân. Chính vì vậy ký chân dung của ông vừa sâu lắng lại vừa bình dị. (…). Đọc xong tác phẩm, ta thấy rất rõ phong cách ngôn ngữ của ông: không khoa học cao siêu, không hô hào, nhưng chất khoa học, mạch triết lý sâu xa cứ lắng đọng, cứ thấm dần vào tiềm thức của họ. (…).

Hàm Châu đã có những tác phẩm ký đẫm chất khoa học mà vẫn mượt mà chất văn chương. Sự kết hợp khéo léo và nhuần nhuyễn đó đã làm thành phong cách ngôn ngữ Hàm Châu và nhờ đó Hàm Châu đã trở thành cây bút đi tiên phong, chuyên sâu và thành công về thể loại khó khăn này và hiện thời có lẽ chưa có nhà báo nào đứng được vào vị trí đó.

PGS, TS VŨ QUANG HÀO

(Trích từ cuốn Ngôn ngữ báo chí

NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2001,

Giáo trình dùng trong ngành báo chí

các trường đại học Việt Nam)

 
PV