Cuộc thi "chữa lành" tâm trí, du khách ngồi bất động… để xả stress

Thảo Trinh

(Dân trí) - Nhiều người Hàn Quốc đã đến một khu rừng ở phía nam đảo Jeju để tham dự cuộc thi "chữa lành" tâm trí bằng cách ngồi bất động trong 90 phút.

Tại một khu rừng phía nam đảo Jeju (Hàn Quốc) vừa qua đã diễn ra cuộc thi có tên gọi Space Out (Du hành vũ trụ) với sự tham dự của 28 thí sinh.

Tham gia cuộc thi, các thí sinh phải thực hiện thử thách ngồi bất động trong 90 phút. Mỗi người được sắp xếp các chỗ ngồi khác nhau, giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn mùa dịch.

Kết thúc thử thách, ai bất động lâu nhất, giữ được nhịp tim thấp và ổn định nhất sẽ là người giành chiến thắng.

Được biết, Space Out xuất hiện tại Hàn Quốc vào năm 2014 do nghệ sĩ Woopsyang khởi xướng. Cuộc thi ra đời với mục đích đối phó lại nhịp sống hối hả, giúp mọi người học cách sống chậm hơn. Từ đó có thể giải tỏa căng thẳng và áp lực từ công việc và cuộc sống hàng ngày.

Chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện, trào lưu này đã nhanh chóng lan rộng sang một số nơi như Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan...

Cuộc thi chữa lành tâm trí, du khách ngồi bất động… để xả stress - 1
Những người tới một khu rừng trên đảo Jeju của Hàn Quốc hàng năm để tham dự cuộc thi bất động... xả stress (Ảnh: Min Joo Kim).

"Do ảnh hưởng của đại dịch mà chúng ta có nhiều thời gian ở nhà và trở nên rảnh rỗi. Tuy nhiên thời điểm này cũng khiến mọi người có xu hướng căng thẳng và lo lắng hơn. Đây là lúc cuộc thi Space Out phát huy tác dụng hơn bao giờ hết", Woopsyang nói.

Năm ngoái, cuộc thi phải tổ chức trực tuyến vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng năm nay, họ quyết định tổ chức offline để mọi người có thể tham dự và đạt được hiệu quả mong muốn.

Theo một số chuyên gia, tình hình dịch bệnh căng thẳng là lý do khiến con người áp lực nhiều hơn và dễ làm cơ thể lẫn tâm trí rơi vào trạng thái "sinh tồn" ảo.

Shin Dong-won, bác sĩ tâm thần lâm sàng tại Bệnh viện Kangbuk Samsung, Seoul, cho biết: "Đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có của đại dịch Covid-19, mọi người cảm thấy sợ hãi, bồn chồn và không ngừng lo lắng về những hành động tiếp theo. Tuy nhiên, những gì mà bạn cần làm trong thời điểm khó khăn này chính là giữ đầu óc thoải mái, tinh thần nghỉ ngơi để thoát khỏi chu kỳ căng thẳng, áp lực kéo dài".

Lee Ji Woon (24 tuổi, sinh viên năm cuối chuyên ngành công tác xã hội) cho biết, 90 phút dự thi Space Out là khoảng thời gian dài nhất cô không làm gì.

"Dịch bệnh khiến tôi rảnh rỗi hơn rất nhiều nhưng lại luôn cảm thấy áp lực vì phải tính toán sử dụng thời gian đó sao cho hiệu quả. Tôi dự định kiếm một công việc phù hợp sau khi ra trường nhưng tình hình dịch bệnh khiến môi trường việc làm vốn cạnh tranh cao độ nay càng trở nên khó khăn gấp bội lần", cô chia sẻ.

Cuộc thi chữa lành tâm trí, du khách ngồi bất động… để xả stress - 2
Lee Ji Woon cảm thấy sảng khoái hơn sau khi thực hiện thử thách bất động trong 90 phút (Ảnh: Min Joo Kim).

Những ngày qua, Lee cảm thấy luôn trong tình trạng quá tải vì thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử để học online, đọc tin tức, xem YouTube, lướt mạng xã hội. Lee quyết định buông bỏ mọi thứ và thực hiện chuyến bay tới đảo Jeju, tìm đến một khu rừng để "chữa lành" tâm hồn - nơi bản thân "thấy rất sảng khoái".

Cũng giống như Lee, chủ quán thịt lợn ở thành phố Jeju là Jwa Hyeon-guk (40 tuổi) cũng vừa tạm đóng cửa một ngày để tham gia cuộc thi Space Out. Khi dịch bùng phát, quán của ông chuyển sang hình thức chỉ bán mang về.

"Quán vắng khách và mất đi vẻ nhộn nhịp, ồn ào vốn có. Mọi sản phẩm đều được bán qua ứng dụng giao hàng và phục vụ khách mang về. Tôi phải lướt điện thoại liên tục để kiểm tra đánh giá của khách hàng trên ứng dụng và nghiền ngẫm cách cải thiện bao bì mang đi", anh bày tỏ.

Cuộc thi chữa lành tâm trí, du khách ngồi bất động… để xả stress - 3
Chủ quán thịt lợn cảm thấy thoải mái hơn sau khi dự thi (Ảnh: Min Joo Kim).

Người đàn ông này cho hay, chỉ cần một phản hồi không tốt từ khách hàng trực tuyến có thể khiến bản thân đau đầu, nghĩ ngợi xem mình làm sai ở đâu để tìm cách khắc phục. Anh cho rằng đây là một vòng luẩn quẩn tiêu cực, tạo ra những áp lực vô hình.

"Thật khó để không thể tương tác trực tiếp với khách hàng. Tôi nhớ cảm giác bận rộn, được phục vụ khách tới dùng bữa tại quán và giao lưu, trò chuyện cùng họ", chủ quán bày tỏ. 

Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 3 vào tháng 11-12/2020, doanh số bán hàng tại đây đã giảm hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2019.

Muốn thoát khỏi thực trạng bế tắc, Jwa Hyeon-guk tìm đến cuộc thi để rũ bỏ áp lực trên và hy vọng về những khởi đầu tốt đẹp trong thời gian sắp tới.

Trong số 28 người dự thi Space Out năm nay còn có Youn Kyoung-won, chủ doanh nghiệp bán trái cây ở Jeju và cô con gái 12 tuổi. Khi dịch bệnh bùng phát, người phụ nữ 53 tuổi điều hành công ty tại nhà còn con gái học online.

Cuộc thi chữa lành tâm trí, du khách ngồi bất động… để xả stress - 4
Giống như nhiều gia đình khác, Youn áp lực vì dạy con học tại nhà trong mùa dịch. Cô cùng con dự thi "bất động" để giải tỏa stress (Ảnh: Min Joo Kim).

Ở nhà dài ngày khiến Youn cảm giác bị mắc kẹt và "cuồng chân". Người phụ nữ này vô cùng áp lực khi phải cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái. Cô gần như trở thành giáo viên của con và không khỏi căng thẳng trước đứa trẻ khó tập trung trong lớp học trực tuyến.

"Tôi càng ngày càng căng thẳng và cáu kỉnh. Tôi thấy mình đang trút sự căng thẳng và bực tức lên con gái của mình", bà mẹ 53 tuổi nói.

Cuối cùng, con gái chủ động rủ Youn tham gia cuộc thi để cả hai cùng cho mình khoảng thời gian thư giãn, giải tỏa mọi áp lực. "Tôi thực sự thấy thoải mái và hạnh phúc", Youn nói khi vừa bước ra từ khu rừng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm