Cuộc hợp tác của hai nền điện ảnh lớn nhất thế giới gặp “lao đao”
(Dân trí) - Một dự án điện ảnh tiêu tốn hàng trăm triệu USD, được kỳ vọng công phá phòng vé thế giới. Một ê-kíp làm phim Đông - Tây huy động 100 phiên dịch viên “thông ngôn”. Vậy mà cuộc hợp tác đình đám của hai nền điện ảnh lớn nhất thế giới lại gặp lao đao.
Phim bom tấn kinh phí lớn, ghi nhận sự bắt tay hợp tác giữa điện ảnh Trung Quốc và giới làm phim Hollywood - “The Great Wall” (Tử chiến Trường Thành) - có sự tham gia của nam chính Matt Damon đã ra rạp thế giới cách đây vừa tròn một tháng. Phim bị cho là gây nên nỗi thất vọng lớn đối với một dự án điện ảnh rất được kỳ vọng.
Đây là dự án phim nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn nổi tiếng hàng đầu tại Trung Quốc - Trương Nghệ Mưu. Trong nhiều năm trở lại đây, hiếm có phim nào của điện ảnh Hoa ngữ gây tiếng vang tại các giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín. Với “Tử chiến Trường Thành”, giới làm phim Trung Quốc mong muốn gây nên tiếng vang ngoài phòng vé thế giới.
“Tử chiến Trường Thành” được thực hiện với hy vọng mở ra lối đi cho phim Trung nói tiếng Anh chinh phục thị trường điện ảnh thế giới, tạo nên thế đứng cho một nền điện ảnh được mệnh danh là lớn thứ hai toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ. Dù vậy, cuộc hợp tác giữa hai “gã khổng lồ” - cine Hoa ngữ và Hollywood - ngay trong dự án lớn đầu tiên, đã gây thất vọng nặng nề.
Nghẹt thở chờ bom tấn… hòa vốn
Việc phim không gây được tiếng vang ngoài phòng vé và chỉ kịp “hòa vốn”, khiến Hollywood Reporter đánh giá rằng những khả năng hợp tác trong tương lai giữa hai nền điện ảnh lớn hàng đầu thế giới sẽ rơi vào băng giá trong một quãng thời gian khá dài.
Việc bộ phim thu về 171 triệu USD tại phòng vé Trung Quốc thực sự gây thất vọng với các nhà đầu tư bởi họ kỳ vọng con số lớn hơn nhiều khi “Tử chiến Trường Thành” là bộ phim hợp tác Trung - Mỹ có kinh phí lớn nhất từng thấy trong lịch sử cine. Ngay tại sân nhà, phim cũng không tạo được một hiệu ứng mạnh mẽ như mong đợi.
Mức đầu tư sản xuất phim lên tới 150 triệu USD, cộng thêm 120 triệu USD quảng bá phim khi chuẩn bị ra rạp, “Tử chiến trường thành” chỉ bắt đầu có lãi khi doanh thu phòng vé đạt 270 triệu USD. Tính tới thời điểm hiện tại, khi phim đã ra rạp thế giới được một tháng, doanh thu đã ngã ngũ, phim chỉ thu về 327 triệu USD, một mức lãi chưa thấm tháp gì so với mức đầu tư.
Việc “Tử chiến Trường Thành” không gây được tiếng vang tại hai thị trường mục tiêu, là Bắc Mỹ và Trung Quốc, khiến Hollywood Reporter tin rằng sự việc đã “đóng băng” mọi ý định về những hợp tác lớn trong tương lai giữa hai nền điện ảnh Đông - Tây. Tại thị trường điện ảnh Bắc Mỹ, phim chỉ thu về 34,8 triệu USD.
Sự hợp tác giữa các hãng phim hàng đầu của hai nền điện ảnh số 1 và số 2 thế giới (gồm Universal Pictures, Legendary East, Le Vision Pictures, Atlas Entertainment, và China Film Group) cuối cùng cũng đã diễn ra, nhưng kết quả lại là một bom tấn “xịt ngòi” tại phòng vé của cả Trung Quốc và Bắc Mỹ.
Mặc dù phim vẫn may mắn thoát khỏi cảnh “lỗ nặng” nhưng không nghi ngờ gì, với một mức đầu tư lớn cùng nhiều kỳ vọng đặt vào “Tử chiến Trường Thành”, phim đã là một thất bại cho những mong đợi lớn lao từ sự hợp tác đáng kể đầu tiên của điện ảnh Mỹ - Trung.
Việc “Tử chiến Trường Thành” không làm nên chuyện ngoài phòng vé đã khiến khả năng hợp tác trong tương lai giữa hai nền điện ảnh đại diện Đông - Tây, là Trung Quốc và Mỹ, trở nên rất mông lung.
Gắn kết ê-kíp Đông - Tây bằng… 100 phiên dịch viên?
Những bài học mà người trong cuộc có thể rút ra sau cuộc hợp tác này, đó chính là những khó khăn, vướng mắc vẫn còn tồn tại, chưa thể tháo gỡ hợp lý. Trước hết, hai bên vẫn chưa thể tìm ra được một chuyện phim có thể kết hợp ăn ý văn hóa Đông - Tây, để hấp dẫn người xem cine thế giới, đồng thời, họ cũng chưa thể hòa hợp diễn xuất của diễn viên đến từ hai nền văn hóa.
Trong trường họp của “Tử chiến Trường Thành”, người ta đã phải thuê tới 100 phiên dịch viên giúp “thông ngôn” hai thứ tiếng Anh - Trung trên phim trường. Việc để một đoàn phim gắn kết, thấu hiểu nhau là rất cần thiết để tạo nên một ê-kíp hợp tác ăn ý, nhưng đây là điều quá khó khi rào cản ngôn ngữ là yếu tố cản trở đầu tiên.
Hiện tại, nhiều tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh ở Trung Quốc vẫn âm thầm tiếp tục công cuộc chinh phục công chúng yêu cine thế giới, nhưng theo một cách lặng lẽ hơn, “chặt tay” hơn.
Thông qua những cuộc hợp tác với các hãng phim phương Tây vốn có kinh nghiệm trong việc nắm bắt thị hiếu người xem cine thế giới, các dự án điện ảnh hợp tác Mỹ - Trung hiện vẫn đang được tiến hành nhưng thuộc hạng mức đầu tư thấp và vừa, không quảng bá rình rang như “Tử chiến Trường Thành” nữa.
Có thể kể tới “The Flying Tigers” do hãng phim thuộc tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) hợp tác với hãng phim Skydance (Mỹ) hay “Edge of the World” sản xuất bởi hãng phim Pegasus (Mỹ) và Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc (CFG).
Lấy bối cảnh triều nhà Tống bên Trung Quốc, “Tử chiến Trường Thành” kể câu chuyện về những người lính đánh thuê đến từ Châu Âu do William Garin (Matt Damon) dẫn đầu, họ tìm tới Trung Quốc và đã cùng hợp lực với những chiến binh bản địa chiến đấu chống lại những quái vật đang hoành hành bên Trường Thành.
Trước đây, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã từng có cơ hội hợp tác làm phim với tài tử Mỹ Christian Bale trong “The Flowers of War” (Kim lăng thập tam thoa - 2011). Phim này hoàn toàn do phía Trung Quốc bỏ vốn với mức đầu tư 94 triệu USD. Phim thu về doanh số 95 triệu USD tại thị trường nội địa, nhưng khi đem chiếu ở Mỹ chỉ thu về… 311.000 USD.
Có thể thấy công cuộc chinh phục người xem điện ảnh thế giới của nền điện ảnh lớn thứ hai hoàn cầu vẫn còn rất dài.
Cảnh Điềm được ưu ái xuất hiện trong dự án phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu - “Tử chiến Trường Thành”
Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter