Cuộc chiến vi mạch vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu, Việt Nam ở đâu?

Viên Minh

(Dân trí) - Cuốn sách "Chip War - Cuộc chiến vi mạch" được xem là biên niên sử về cuộc chiến kéo dài hàng thập niên để kiểm soát tài nguyên quan trọng nhất nhưng lại khan hiếm: công nghệ vi mạch.

Chip bán dẫn - "Dầu mỏ" của thế kỷ 21

Trong cuốn sách Chip War - Cuộc chiến vi mạch, do Nhã Nam phát hành, tác giả Chris Miller nhận định rằng nếu như cán cân quyền lực của thế kỷ 20 xoay quanh tài nguyên dầu mỏ, thì đến thế kỷ 21, cuộc chiến này chuyển sang một thứ còn quan trọng và khan hiếm hơn gấp bội: chip bán dẫn.

Cuốn sách đã giành giải thưởng Sách Kinh doanh của năm của Financial Times, giải Arthur Ross Book của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) và lọt vào danh sách những cuốn sách hay nhất năm do tạp chí The Economist và tạp chí Foreign Affairs bình chọn.

Cuộc chiến vi mạch vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu, Việt Nam ở đâu? - 1

Bìa sách "Chip War - Cuộc chiến vi mạch" (Ảnh: Nhã Nam).

Chip bán dẫn hay còn gọi là mạch tích hợp hay chất bán dẫn, là một miếng vật liệu bán dẫn nhỏ, thường là silicon, với hàng triệu hoặc hàng tỷ bóng bán dẫn được gắn bên trên.

Chất bán dẫn là một loại vật liệu độc nhất vô nhị. Hầu hết các vật liệu đều cho dòng điện chạy qua tự do hoặc chặn dòng điện, nhưng chất bán dẫn khi kết hợp với các thành phần khác sẽ có thể cho hoặc không cho dòng điện chạy qua, tạo cơ hội cho sự ra đời của các loại thiết bị mới và điều khiển dòng điện.

Hiện nay chip bán dẫn có mặt trong hầu hết thiết bị dù là nhỏ nhất trong cuộc sống. Chip bán dẫn đã tạo ra thế giới hiện đại và số phận của các quốc gia phụ thuộc vào khả năng khai thác sức mạnh tính toán của chúng.

Toàn cầu hóa sẽ không tồn tại nếu không có sự trao đổi thương mại chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử mà chúng tạo ra.

Các con chip từ Đài Loan cung cấp 37% sức mạnh tính toán mới cho thế giới mỗi năm. Hai công ty Hàn Quốc sản xuất 44% chip nhớ của thế giới. Công ty ASML của Hà Lan sản xuất 100% máy quang khắc cực tím của thế giới, mà nếu không có chúng thì không thể tạo ra các con chip tiên tiến.

Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu

Như một cuốn biên niên sử về chất bán dẫn, Chip War - Cuộc chiến vi mạch dẫn dắt người đọc trở về những ngày đầu tiên của con chip, vào khoảng hơn 60 năm trước, số lượng bóng bán dẫn trên một con chip được cho là tiên tiến nhất là 4. Ngày nay con số đó là 11,8 tỷ.

Khi nghĩ đến thung lũng silicon - nơi đầu tiên phát triển công nghệ bán dẫn ở Mỹ, người ta thường liên tưởng đến các mạng xã hội và công ty phần mềm hơn là về một loại vật liệu mà tên của nó được dùng để đặt tên cho thung lũng.

Tuy nhiên, internet, đám mây, mạng xã hội và toàn bộ thế giới kỹ thuật số chỉ có thể tồn tại vì các kỹ sư đã học được cách phát triển nhanh chóng tốc độ của chip bán dẫn.

Và các "ông lớn công nghệ" sẽ không thể tồn tại nếu chi phí xử lý và ghi nhớ của con chip không giảm một tỷ lần trong nửa thế kỷ qua.

Sự phát triển đáng kinh ngạc này một phần nhờ các nhà khoa học lỗi lạc và các nhà vật lý đã giành giải Nobel.

Cuộc chiến vi mạch vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu, Việt Nam ở đâu? - 2

Tác giả Chris Miller (Ảnh: Nhã Nam).

Cuộc chiến về vi mạch là cuộc chiến không ngừng nghỉ, không chỉ là bài toán về cách để sản xuất hàng loạt nhiều hơn, nhanh hơn và ít chi phí hơn mà còn là bài toán về kích cỡ và tốc độ của vi mạch. Chế tạo và thu nhỏ kích thước chất bán dẫn là thách thức kỹ thuật lớn nhất trong thời đại này. 

Bản đồ chất bán dẫn vẫn được cập nhật từng ngày, với sự thay đổi sát sao của các quốc gia. Cuộc đua về công nghệ này cũng chính là cuộc đua gay cấn và hệ trọng nhất.

Đánh giá những cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Sau khi đi qua lịch sử phát triển đầy hấp dẫn của công nghệ bán dẫn và tái hiện lại một phiên bản cập nhật nhất về bản đồ bán dẫn toàn cầu, một nhu cầu tất yếu của độc giả là muốn biết vị trí nào sẽ dành cho Việt Nam trong tương lai gần.

Ngày 2/6, Nhã Nam sẽ tổ chức sự kiện ra mắt cuốn sách Chip War - Cuộc chiến vi mạch với sự tham gia của các diễn giả: ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam; ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc công nghệ Công ty SNS (Sirius Network Solution); và ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS).

Các diễn giả tham gia tọa đàm sẽ dành nhiều thời gian để khảo sát xu hướng chuyển dịch của bản đồ bán dẫn toàn cầu trong 10 năm tới và những tác động có thể lên dòng vốn.

Một thời lượng lớn của sự kiện sẽ dành để đánh giá về thực trạng phát triển công nghiệp chất bán dẫn tại Việt Nam, những tiềm năng, cơ hội và thách thức để Việt Nam có thể bước vào sân chơi đầy tham vọng này.

Chủ đề sẽ đặc biệt nhắc đến các yếu tố sát với thực tiễn như chiến lược quốc gia, lực lượng lao động, các đặc điểm về vị trí địa lý của nước ta và khả năng khai thác trữ lượng đất hiếm, những tác động đến môi trường.

Chris Miller có bằng tiến sĩ và thạc sĩ tại Đại học Yale, bằng cử nhân lịch sử tại Đại học Harvard.

Ông hiện là phó giáo sư chuyên ngành lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tuffs; giảng viên thỉnh giảng Jeane Kirkpatrick tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Ông từng là phó giám đốc Chương trình Brady-Johnson về Chiến lược lớn tại Đại học Yale; giảng viên trường New Economic School tại Moscow, học giả được mời nghiên cứu tại Trung tâm Moscow Carnegie, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Brookings, thành viên Học viện Transatlantic của Quỹ German Marshall.