Cuộc cách mạng đưa người chết vào quan tài của người H’Mông

(Dân trí) - Người H’Mông thường đặt xác người chết trên cáng, treo sát vách gian nhà giữa để cúng tế “làm ma” đến 7 ngày mới mang chôn...

Hủ tục lạc hậu

Người H’Mông rất coi trọng việc tang ma và cho rằng lo tang ma cho người chết tốt hay không sẽ có ảnh hưởng hưởng tới những người đang sống. Cha ông họ quan niệm, nếu lo tang ma không chu đáo thì gia đình, dòng họ, thậm chí cả bản làng phải gánh chịu hậu quả tai ương, lụi bại. Chính vì vậy, bao đời nay, hủ tục mai táng người chết của người H’Mông không thay đổi.

Là người H’Mông, sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất miền núi nghèo của bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, nhưng ông Lâu Minh Pó vẫn không khỏi ái ngại mỗi lần tham dự những đám tang của dân tộc mình.

Rồi ông thở dài thườn thượt khi nghĩ về chuyện mai táng người chết của bản làng thuở trước. Ông kể: “Mỗi khi có một người chết thì nghi lễ trong một đám tang ma của người H’Mông bắt đầu bằng những phát súng. Con cháu của người quá cố sẽ bắn 4 hoặc 6 phát súng nếu người chết là đàn ông, 7 hoặc 9 phát súng nếu người chết là đàn bà, để báo hiệu. Họ không chôn người chết ở những nghĩa địa tập trung mà tùy chọn vị trí, có khi là ngay bên cạnh nhà ở”.

“Khi tổ chức mai táng thì họ lại có tâm lý càng mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà… càng thể hiện sự có hiếu với cha mẹ đã gây nên sự tốn kém, lãng phí lớn. Với nhiều hộ nghèo, việc chi phí cho đám tang luôn là gánh nặng kinh tế”- ông Pó ái ngại.

Chiếc quan tài đang dần được đưa vào trong tục mai táng người chết của đồng bào H'Mông
Chiếc quan tài đang dần được đưa vào trong tục mai táng người chết của đồng bào H'Mông

Cũng theo lời kể của ông Pó thì mỗi khi có người qua đời, người H’Mông không cho xác người chết vào quan tài mà đan một chiếc cáng, đặt người chết trên chiếc cáng đó. Chiếc cáng này được treo lên sát vách gia nhà giữa, ở độ cao khoảng hơn một mét.

Thủ tục cúng tế làm ma kéo dài từ 3-7 ngày, thậm chí lâu hơn nữa. Dù xác chết đã có biểu hiện phân hủy nhưng các thủ tục hành lễ với người quá cố chưa xong các cung đoạn thì xác chết vẫn chưa được đem chôn. Tại nơi chôn cất người chết, người ta đào huyệt, xẻ thân cây thành ván ghép lại dưới huyệt, đặt xác người quá cố xuống đó và chôn cất.

Tập tục không đưa người chết vào quan tài ngay, để người chết trong nhà lâu ngày khiến một bộ phận người H’Mông, đặc biệt là lớp người trẻ, học sinh, sinh viên tỏ ra ái ngại, thậm chí lo lắng cho vấn đề đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho những người trực tiếp có mặt lo tang ma.

Cuộc cách mạng trút bỏ hủ tục

Đầu tháng 6/2013, cụ Lâu Chứ Dơ (66 tuổi), trú tại bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là người H’Mông đầu tiên tại Thanh Hóa sau khi chết được đưa vào quan tài ngay, các nghi thức tang ma tổ chức theo nếp sống mới, đảm bảo vệ sinh. Đồng bào ở đây xem sự kiện đó như một cuộc cách mạng vượt qua những hủ tục cũ.

Nhiều người dân H’Mông sống ở đây cho biết, bấy lâu nay không có dòng họ người H’Mông nào cho phép phá bỏ tập tục xưa, dòng họ nào cũng sợ làm trái tập tục sẽ bị tổ tiên trừng phạt. Trong các dòng họ người H’Mông, lớp người già có vai trò, vị trí và tiếng nói vô cùng quan trọng vì vậy khi người già chưa chịu thay đổi thì không ai dám tự ý làm trái.

Tuy nhiên sau khi đám tang của cụ Dơ được mai táng theo nếp sống mới thì đồng bào H’Mông mới nhận thấy những lợi ích thiết thực từ việc đưa xác người chết vào hòm ngay sau khi chết, không để xác người chết quá lâu trong nhà. Họ đã đồng tình với xóa bỏ tục lệ tang ma cũ.

Đám tang cụ Dơ đã làm cuộc cách mạng trút bỏ hủ tục trong mai táng người chết của người H'Mông
Đám tang cụ Dơ đã làm cuộc cách mạng trút bỏ hủ tục trong mai táng người chết của người H'Mông

Tang ma của cụ Dơ, được nhiều dòng họ người H’Mông đặc biệt chú ý. Hầu như tất cả các trưởng dòng họ người H’Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tìm về đám tang cụ Dơ để xem xét, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Lương Minh Thông - Bí thư huyện ủy Mường Lát cho biết: “Việc thay đổi quan niệm để đưa xác người chết vào trong quan tài là ý tưởng của lớp trẻ người H’Mông từ lâu rồi nhưng cho đến nay mới có gia đình người H’Mông làm được. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong tang ma của người H’Mông”

Ông Thông cũng đánh giá việc cụ Dơ sau khi quá cố được đưa vào quan tài ngay là “một cuộc cách mạng” trong nhận thức của người H’Mông ở Thanh Hóa. Trước đó, dù đã tuyên truyền nhiều năm, bằng nhiều biện pháp nhưng chưa có gia đình, dòng họ người H’Mông nào dám thực hiện việc làm tưởng chừng đơn giản là “đưa xác chết vào quan tài”.

 

Nguyễn Thùy