Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm từ thi hoa hậu

Phương Nhung

(Dân trí) - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly trao đổi với PV Dân trí, hiện tại Cục đã chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý những trường hợp vi phạm.

Thời gian vừa qua, chuyện nở rộ các cuộc thi hoa hậu, người đẹp nhận được sự quan tâm của dư luận. Không chỉ bày tỏ sự lo ngại về chất lượng các cuộc thi, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một chế tài xử lý nghiêm những cuộc thi vi phạm quy định pháp luật. 

Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm từ thi hoa hậu - 1

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly (Ảnh: Facebook nhân vật).

Bà Trần Ly Ly cho biết: "Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều kế hoạch, nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ, vì vậy, ngay khi tình hình dịch được kiểm soát khá tốt, trong điều kiện "bình thường mới", các cuộc thi người đẹp, người mẫu cũng như các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác đồng loạt được tổ chức cũng là điều dễ hiểu trong thực tế".

Trước hết, theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu được Trung ương phân cấp về địa phương quản lý toàn diện từ cấp văn bản chấp thuận đến kiểm tra, xử lý vi phạm.

Việc này là để công tác quản lý sát với thực tiễn, nhưng không có nghĩa là Cục Nghệ thuật Biểu diễn buông lỏng việc quản lý hoạt động này.

Với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao... các tỉnh, thành phố trên cả nước xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong thực tế và triển khai các văn bản pháp luật, chủ động, kịp thời đưa ra những giải pháp để xử lý tình huống phát sinh.

Hiện tại, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó có những căn cứ đưa ra tham mưu, đề xuất điều chỉnh phù hợp.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm từ thi hoa hậu - 2

Trong điều kiện "bình thường mới", các cuộc thi người đẹp cũng như hoạt động văn hóa nghệ thuật khác đồng loạt được tổ chức (Ảnh: Anh Tú).

Mặc dù tạo sự thông thoáng nhưng Nghị định 144 cũng nêu rõ quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi cũng như thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi nếu vi phạm các điều khoản có trong Nghị định.

Bà Trần Ly Ly cho rằng: "Chúng ta cũng cần nhìn nhận đa chiều về các "đấu trường" nhan sắc. Bên cạnh việc bộc lộ một số hạn chế, thì không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hoạt động này, một khi đã khẳng định thương hiệu, được tổ chức nghiêm túc, bài bản thì các cuộc thi đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch, tôn vinh những nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Cũng cần ghi nhận rằng, bước đầu đã có thành tích đáng khích lệ trên đấu trường khu vực và quốc tế lĩnh vực này…"

"Nghị định 144 mới thực hiện được 18 tháng, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều tình huống khác nhau ở các địa phương. Cục Nghệ thuật biểu diễn đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị nhằm tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể để từ đó có căn cứ đưa ra những tham mưu, đề xuất điều chỉnh phù hợp.

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập văn hóa với quốc tế, vì thế, mọi quy định cần được cân nhắc và đặt trong xu hướng chung của thế giới. Việc tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong Nghị định 144 là phù hợp.

Đặc biệt, Nghị định cũng đề cao vai trò của công tác hậu kiểm, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm thanh tra và có chế tài kiểm tra, xử lý vi phạm một cách triệt để.

Ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo và văn bản quy định pháp luật, các Sở cũng nên lắng nghe góp ý từ các chuyên gia, phương tiện truyền thông chính thống và từ dư luận để linh hoạt hơn trong việc cấp phép, giám sát và hậu kiểm các cuộc thi nhan sắc.

Đơn vị tổ chức buộc phải cam kết thực hiện đúng theo đề án xin cấp phép và kiên quyết xử lý khi có vi phạm để ngăn chặn triệt để chuyện tái phạm", bà Trần Ly Ly thông tin thêm.

Theo bà Trần Ly Ly, để giải quyết tồn tại và phát huy giá trị, ý nghĩa tích cực của "sân chơi" người đẹp, người mẫu, ngoài vai trò của những cơ quan quản lý cần sự chung tay, đồng hành của các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông để giám sát, công khai, minh bạch công tác tổ chức, đồng thời tuyên truyền để mọi người nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về mục tiêu của cuộc thi, danh hiệu.

"Cao hơn nữa, một trong những "chế tài mạnh mẽ nhất" đối với các cá nhân, tổ chức trong nghệ thuật biểu diễn, đó là sự "nghiêm khắc của công chúng" để góp phần thanh lọc và gạt bỏ tiêu cực, bởi xét cho cùng, tôn vinh cái đẹp, giá trị đích thực luôn là điều nên làm, cần làm trong mọi thời đại", bà Trần Ly Ly khẳng định.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Nghị định số 144/2020/NÐ-CP đã thể hiện đúng xu hướng chung trong quản lý văn hóa của thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định chắc sẽ cần thời gian để có thể điều tiết tốt các hành vi, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thực tiễn đời sống...

Những hoa hậu, hoa khôi cần phải có ý thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình để tránh việc tạo ra những sự cố trong dư luận xã hội, và chúng ta cũng có thể nâng cấp Nghị định 144 thành luật để có thể mang tính chế tài mạnh mẽ hơn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm