Cục di sản văn hóa phê duyệt phương án khai quật cổ vật

(Dân trí)– Với đề xuất phương án của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc khai quật cổ vật, Bộ VHTT&DL có văn bản đồng ý địa phương thực hiện công tác khai quật cổ vật ở vùng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) trong thời gian 3 tháng.

Song song với văn bản đồng ý khai quật của Bộ VHTT&DL, vào ngày hôm qua, đoàn công tác của Bộ VHTT&DL đã có buổi thị sát, kiểm tra cổ vật tại xã Bình Châu.

Đoàn công tác gồm Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật; Thạc sĩ Nông Quốc Thành – Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) và tiến sĩ Phạm Quốc Quân – Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia.

Qua khảo sát và nghiên cứu các mảnh vỡ cổ vật mà người dân bỏ lại, tiến sĩ Phạm Quốc Quân cho rằng: “Đây là loại gốm sứ có niên đại từ thời Minh (Trung Quốc), ước khoảng vào cuối thế kỷ 14 hoặc đầu thế kỷ 15. Tuy nhiên để xác định chính xác thì cần kiểm tra từng chi tiết trên cổ vật, dù là những mảnh vỡ nhỏ nhất”.
 
Hình ảnh con tàu đắm
Hình ảnh con tàu đắm
 
Những cổ vật được tìm thấy
Những cổ vật được tìm thấy

Ngoài ra, theo các chuyên gia, vị trí khai thác cổ vật cách bờ gần 100m, độ sâu chưa tới 4m nên rất thuận lợi cho công tác khai quật, không cần mời chuyên gia nước ngoài tham gia. Theo phương án khai quật, diện tích khoanh vùng khai quật khoảng 400m2, tiến hành tham dò, phân loại, chỉnh lý, phân tích Carbon phóng xạ (C14) để xác minh niên đại chuẩn xác. Dự kiến, thời gian khai quật theo phương án là 3 tháng.

Trước đó, vào khoảng ngày 5/9, một số người dân phát hiện “kho báu” đồ cổ trong con tàu đắm, họ âm thầm khai thác khoảng 3 ngày đêm. Sau đó, do không thống nhất việc phân chia nên thông tin bị lan rộng khắp khu dân cư. Đến ngày 8/9, nhiều hộ dân đã dùng các phương tiện tàu thuyền, máy hút cát, đồ lặn và lấy hàng trăm món đồ cổ vật.

Cho đến nay, qua quá trình vận động người dân thu giữ được 36 cổ vật. Công tác bảo vệ khu vực khai quật nghiêm ngặt, chặt chẽ và bảo đảm an toàn.

Được biết, đây là con tàu thứ 4 được phát hiện ở vùng biển xã Bình Châu. Trước đây, vùng biển này chính là con đường gốm sứ trên biển do các nhà buôn ở khu vực phương Đông và Tây thường xuyên qua lại giao thương.

 
Hồng Long