Cú lừa ngoạn mục của nhà văn trẻ thế kỷ 18

(Dân trí) - Một chàng trai trẻ Henry đã giả mạo một cách ngoạn mục chữ ký và các tác phẩm của Shakespeare mà không ai có thể phát hiện ra trong suốt một thời gian dài cho đến khi chính Henry thú nhận điều này.

William Henry Ireland vừa tròn 19 tuổi vào năm 1795, và cuộc sống gia đình của cậu khá tệ hại. Cha của William cho rằng cậu chỉ là một kẻ khù khờ chậm chạp trong khi mẹ của cậu thậm chí còn không công nhận cậu. Ông Samuel Ireland, cha của William là người chuyên sưu tầm các món đồ có giá trị. Thứ duy nhất ông không có và luôn khao khát là một tài liệu viết tay của William Shakespeare. Biết được điều đó, để gây ấn tượng với cha mình William Henry đã tạo ra một bản viết tay giả mạo của đại thi hào nổi tiếng.
 
Cú lừa ngoạn mục của nhà văn trẻ thế kỷ 18
 
Chân dung William Henry Ireland người đã giả mạo thành công các tác phẩm của đại thi hào Anh William Shakespeare
 
Người thanh niên này sử dụng giấy từ các cuốn sách cổ và tiến hành các thí nghiệm cho tới khi có thể khiến các tờ giấy mang một vẻ cổ kính lâu đời. Khi William đưa cho cha mình số tài liệu này, cùng với một câu chuyện bịa về nguồn gốc của chúng, cha cậu đã rất hào hứng. Phản ứng của ông khiến William Henry có động lực để tiếp tục cho ra đời các tài liệu giả mạo như vậy.
 
Trích đoạn tác phẩm giả mạo Shakespeare của William Henry

Trích đoạn tác phẩm giả mạo Shakespeare của William Henry

William giả mạo cả những trang viết, đoạn văn trong Hamlet và khiến chúng giống như những bút tích bị thất lạc từ lâu. Thậm chí King Lear còn bị sao chép y nguyên và bàn giao như một tác phẩm hoàn toàn mới. William thậm chí còn tuyên bố đang nắm giữ những cuốn sách trong thư viện của Shakespeare và có cả chữ ký của ông. Cha của William đã nhờ tới các chuyên gia giám định và ban đầu họ cho rằng đây hoàn toàn là các tác phẩm nguyên gốc. Nhận định khó tin này dựa trên cơ sở là lỗi thiết kế trên con dấu mà William đã vô tình tạo ra. Khi cha cậu đòi hỏi thêm các tài liệu mới, William lại tiếp tục viết cho tới khi tự mình sáng tác ra một vở kịch có tên Vortigem và Rowena. Từng đoạn kịch được trao cho người cha Samuel, và nó thu hút được cả sự chú ý từ một nhà hát kịch mới. Nhà hát này đã cho công diễn vở kịch với niềm tin rằng điều này sẽ mang lại lợi nhuận cho họ dựa trên tên tuổi của Shakespeare. Khi đó, đã có rất nhiều người nghi ngờ về tính chân thực của tác phẩm. Tuy nhiên, không ai dám phát biểu vì bản thân họ cũng không chắc chắn rằng đó không phải là tác phẩm của Shakespeare. Buổi diễn vẫn được tổ chức và thu hút rất nhiều người xem. Sự ngờ vực của không ít khán giá khiến William Henry càng trở nên mệt mỏi với toàn bộ sự việc.
 
Trích đoạn tác phẩm giả mạo Shakespeare của William Henry
 
Trích đoạn tác phẩm giả mạo Shakespeare của William Henry
 
Một số tác phẩm giả mạo của William Henry đang lưu giữ tại Folger được bọc da dê bởi cha cậu là ông Samuel Ireland
 
Mẫu chữ ký giả mạo Shakespeare của William Henry và lời thú nhận của ông xuất bản năm 1805
 
Mẫu chữ ký giả mạo Shakespeare của William Henry và lời thú nhận của ông xuất bản năm 1805

Cha của William không bao giờ tin được việc con mình có thể viết những tác phẩm đó. Ông qua đời với niềm tin rằng mình đã sở hữu những tác phẩm thực sự của Shakespeare. Ông giữ toàn bộ những cuốn sách mình nhận được trong thư viện, bọc chúng trong da dê và đặt tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Samuel Ireland qua đời năm 1800 và mối quan hệ với con trai ông vẫn không bao giờ được cải thiện. William Henry rời Anh và tới sống ở Pháp sau đó. Năm 1832, ông trở về Anh để phát hành một tuyệt tác khác theo phong cách của Shakespeare và qua đời vào năm 1835.

Phan Hạnh

Theo Knowledgenut