Cú đổi đời ngoạn mục của “Pi”

(Dân trí) - Ở tuổi 17, Suraj Sharma chưa có bất cứ định hướng nghiêm túc nào cho tương lai, cậu thậm chí chẳng chú tâm làm bất cứ việc gì. Vai diễn trong “Life of Pi” đã đến cùng với những trưởng thành vượt bậc và những thay đổi ngoạn mục.

Định mệnh kỳ lại với vai diễn Pi

Nam diễn viên đảm nhiệm vai chính trong “Life of Pi” (Cuộc đời của Pi - 2012) - Suraj Sharma đã không hề chuẩn bị tâm lý cho việc được giao một vai diễn quan trọng trong bộ phim đình đám nhất năm 2012.

Đối với những bộ phim đình đám, nhà sản xuất thường muốn mời những tên tuổi lớn đảm nhận vai chính bởi riêng cái tên của họ đã phần nào đảm bảo cho sức hút của phim, nhưng Suraj Sharma là một trường hợp hiếm hoi đi ngược lại quy luật này, khi một vai diễn quan trọng lại được giao cho một cậu bé vô danh và làm thay đổi cuộc đời Sharma.

Suraj Sharma

Suraj Sharma

Trước và trong khi đảm nhiệm vai diễn Pi, Sharma đã nhiều lần tự hỏi mình: “Liệu mình có thể hoàn thành vai diễn không?”, nhưng rồi bằng mọi cách cậu đã vượt qua được những khó khăn, những lo sợ và tạo nên một cú nhảy vọt thần thánh.

Sharma tự nhận mình là một thiếu niên “lập dị”, sống trong khu dân cư trung lưu ở thành phố New Delhi, Ấn Độ. Lần đầu đối diện với máy quay, cậu đã ngại ngùng quay mặt đi. Cậu đến tham dự buổi thử vai Pi vì lời “rủ rê” của cậu em trai với phần quà “hối lộ” là một chiếc bánh sandwich. Vậy là chỉ vì một chiếc bánh, mà Sharma đã nhận được vai Pi.

Sự đổi khác sau vai diễn đáng nhớ nhất cuộc đời

Trước khi đến với “Life of Pi”, Sharma là một đứa trẻ hoàn toàn khác. Pi đã đến cùng với những đổi khác trong tâm lý của cậu thiếu niên 17 tuổi khi cậu bắt đầu có những bối rối, những bỡ ngỡ đầu đời.

Ban đầu, Sharma không hề thích thú gì vai diễn này bởi cậu đến với buổi thử vai mà không có bất cứ kỳ vọng nào. Nhưng khi đã vượt qua 3/4 vòng thử vai, Sharma bắt đầu cảm thấy cậu thực sự muốn nhận được vai Pi.

Ở tuổi 17, Sharma chưa có bất cứ định hướng nghiêm túc nào cho tương lai, cậu chưa thực sự nghiêm túc làm bất cứ việc gì trong đời và Sharma mơ hồ cảm nhận rằng có thể đây sẽ là vai diễn giúp cậu đạt được điều gì đó trong đời.

Khi mới đọc kịch bản của “Life of Pi” trong lúc thử vai, ở một số phân cảnh khốn cùng nhất của nhân vật, Sharma thậm chí đã bật khóc dù cậu chỉ đến với buổi thử vai như một cuộc “dạo chơi” cùng với em trai. Lý An ngay lập tức thích khuôn mặt và cách biểu cảm của Sharma. Hai tháng sau buổi thử vai, Sharma nhận được điện thoại mời nhận vai.

Sharma và đạo diễn Lý An

Sharma và đạo diễn Lý An

Khi nhận vai Pi, Sharma đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị cho vai diễn rất kỳ công, cậu phải học diễn xuất - những bài học căng thẳng do chính đạo diễn Lý An đảm nhiệm, ngoài ra, Sharma phải học yoga, thiền, đọc các tác phẩm của Dostoevsky và phải trải qua những bài tập thể lực vắt kiệt sức lực.

Thời gian chuẩn bị cho vai diễn đã “nắn gân” Sharma cả về sức mạnh thể chất và tinh thần. Những ngày tháng đóng phim đối với Sharma vừa đáng sợ vừa đáng nhớ, đem lại cho cậu rất nhiều cảm xúc khó tả.

Trước khi hóa thân thành Pi, Sharma chưa bao giờ thử làm bất cứ công việc nào một cách nghiêm túc, cậu cũng chưa từng bước chân ra khỏi Ấn Độ. Thậm chí Sharma còn chưa từng thử làm việc chăm chỉ bao giờ bởi cậu “không thực sự chú tâm vào bất cứ việc gì”. Với “Life of Pi”, Sharma đã trưởng thành vượt bậc và bắt đầu tìm được trọng tâm trong cuộc sống của mình.

Khi kế hoạch làm phim bắt đầu, Sharma mới 17 tuổi, vì vậy cha mẹ cậu (một kỹ sư phần mềm và một nhà kinh tế học) đã rất lo lắng vì con trai họ sẽ bỏ lỡ mất một năm học ở trường. Đạo diễn Lý An đã phải đích thân đến gặp để thuyết phục cha mẹ Sharma, để họ tin tưởng giao con trai cho ông.

Lý An khẳng định rằng với một năm trên phim trường “Life of Pi”, Sharma sẽ học được nhiều thứ hơn so với việc ngồi trên ghế nhà trường.

Sau vai diễn thành công, Sharma nhận được những lời mời diễn xuất đến từ Hollywood. Những cơ hội ra nước ngoài mở rộng, nhưng cậu vẫn dành thời gian trở về thành phố New Delhi bởi nơi đây có gia đình và bạn bè. Đối với Sharma, dường như cậu đang “sống hai cuộc đời”.

Sharma đã đạt được danh tiếng đáng ao ước trong nghề diễn mà không hề có sự chuẩn bị trước, vai diễn Pi là vai diễn đầu đời của cậu, Sharma là ví dụ hiếm có của điện ảnh đương đại khi một thiếu niên vô danh bất ngờ đổi đời sau một vai diễn.

Trước khi xuất hiện trong “Life of Pi”, không ai biết gì về cuộc sống riêng tư của cậu, không ai có khái niệm gì về diễn xuất của cậu, và vì vậy, người xem không bị xao lãng hoặc so sánh, họ tin rằng cậu chính là hiện thân đích thực của Pi.

Sau “Life of Pi”, Sharma đã đóng 2 bộ phim điện ảnh và 1 bộ phim truyền hình. Mới đây, cậu đã xuất hiện trong bộ phim truyền hình của Mỹ - “Homeland” (phần 4). Đây là một bước chuyển quan trọng của Sharma từ màn ảnh rộng sang màn ảnh nhỏ.

Sharma và đạo diễn Lý An

Suraj Sharma tại buổi công chiếu phim “Million Dollar Arm” (2014) - bộ phim điện ảnh thứ hai mà Sharma tham gia sau “Life of Pi”.

Sharma và đạo diễn Lý An

Nam diễn viên 21 tuổi tham gia vào bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ - “Homeland” (phần 4) bên cạnh nữ diễn viên chính Claire Danes - người vào vai một điệp viên CIA. Trong phần này, Sharma vào vai một sinh viên y khoa người Pakistan.

Sharma và đạo diễn Lý An

Trong gia đình, không ai kỳ vọng Sharma sẽ trở thành diễn viên bởi trước khi được nhận vai Pi, Sharma chưa từng thử tham gia diễn xuất, trong khi em trai cậu đã xuất hiện trong hai bộ phim Ấn Độ. Ở tuổi 17, Sharma đã đánh bại 3.000 ứng viên cho vai Pi.

Sau thành công với Pi, Sharma đã quay trở về học triết học tại trường St. Stephen thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ). Sau đó, cậu chuyển sang học Truyền thông Đại chúng tại Đại học New York (Mỹ).

Sharma và đạo diễn Lý An

Trong “Life of Pi”, Sharma phải xuất hiện trên màn ảnh một mình trong phần lớn thời lượng phim. “Life of Pi” kể về một cậu thiếu niên một mình đấu tranh sinh tồn trước biển khơi khi con thuyền chở cả gia đình cậu bất ngờ bị đắm.

Đối với Sharma hiện tại, dù không biết chắc mình có muốn theo đuổi nghiệp diễn hay không nhưng cậu chắc chắn mình muốn gắn bó với ngành công nghiệp điện ảnh bởi Sharma muốn là một phần trong ekip “tạo nên những điều kỳ diệu”.

Sau thành công với “Life of Pi”, Sharma đã nhận thấy những đổi khác rõ rệt trong cuộc sống khi những người xung quanh đối xử với cậu khác đi. Bản thân Sharma không thích điều này, cậu cho rằng quá nhiều sự quan tâm chú ý sẽ chẳng đem lại lợi ích gì.

Trước đây, Sharma hình dung rất khác về những nhà làm phim nhưng sau khi được gặp gỡ đạo diễn Lý An - một con người “giản dị và thực tế” - cậu nhận ra rằng không nên để danh tiếng và sự phù phiếm làm thay đổi bản thân.

Sharma cảm thấy mình thật may mắn khi có được một khởi đầu như mơ với một ekip làm phim tuyệt hảo. “Nếu là một bộ phim khác, cộng tác với những con người khác, tôi có thể đã bị ảnh hưởng theo một cách rất khác”.



Bích Ngọc
Theo Guardian/Daily Mail