Công nhận ông Lê Linh là “cha đẻ” Thần đồng đất Việt
(Dân trí) - Sau gần 2 tháng xét xử và nghị án, sáng 3/9, TAND TPHCM đã tuyên án phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.
Trong đó, nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (gọi tắt là công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị).
Theo HĐXX, đối tượng tranh chấp trong vụ án là hình tượng 4 nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo" trên giấy chứng nhận bản quyền tác giả do Cục Bản quyền cấp.
Theo quy định, tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật... Quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định.
Về hình thức thể hiện, 4 nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo là các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Theo quy định, tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật. Quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định, không phân biệt tác phẩm công bố hay chưa công bố, đăng ký bảo hộ hay chưa đăng ký bảo hộ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp bản thảo của 4 hình thức thể hiện tuy nhiên không thể hiện vẽ vào thời điểm nào, bị đơn cũng cung cấp những hình ảnh đầu tiên và những hình ảnh sau khi có sự góp ý của bà Hạnh nhưng cũng không cung cấp thông tin thời gian vẽ ra.
Trong các phiên tòa, hai bên thừa nhận nguyên đơn là người trực tiếp vẽ ra 4 hình tượng nhân vật. Trên các ấn phẩm đều thể hiện bút danh Lê Linh là người thể hiện phần tranh minh họa. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, mà theo bà Hạnh là để giao lưu, cũng thể hiện Lê Linh là tác giả.
Việc bà Hạnh cho rằng 4 nhân vật đang tranh chấp được định hình rõ ràng trong trí óc của bà, ông Lê Linh chỉ là người được bà thuê để vật thể hoá các ý tưởng của bà ra thế giới bên ngoài là không có căn cứ.
Như vậy, có đủ căn cứ xác định ông Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo".
Về yêu cầu không được làm tác phẩm phái sinh, căn cứ hợp đồng lao động đã ký với Phan Thị, có cơ sở xác định Lê Linh là nhân viên của Phan Thị với công việc vẽ minh họa. Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ cho ông Lê Linh sáng tạo hình tượng các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo", ngoài ra không có thoả thuận khác. Do đó, công ty Phan Thị là chủ sở hữu có quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản như làm tác phẩm phái sinh.
Còn ông Linh có quyền nhân thân, trong đó có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Như vậy, công ty Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện 4 nhân vật trên dưới bất kỳ hình thức nào làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông Linh.
Công ty Phan Thị là chủ sở hữu được sử dụng hình tượng của 4 nhân vật này nhưng không được thay đổi hình thức thể hiện gốc đã được đăng ký ở cục bản quyền khi không có sự đồng ý của nguyên đơn.
Việc công ty Phan Thị tạo ra và sử dụng các biến thể khác nhau của hình tượng 4 nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo" từ tập 79 của Thần đồng đất Việt và trên các ấn bản Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt mỹ thuật đã làm sai lệch so với nội dung thể hiện trong Thần đồng đất Việt, có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả của ông Linh.
Từ đó, HĐXX bác kháng cáo của bị đơn, buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo. Đồng thời buộc bị đơn xin lỗi công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp và thanh toán chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác quyền của mình bị xâm phạm là 15 triệu đồng.
Xuân Duy