Công nhận 25 bảo vật quốc gia

(Dân trí) - Trong số 25 bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận có trống đồng Cổ Loa, ngai vua triều Nguyễn, long đình gốm Bát Tràng,...

 

Trống đồng Cổ Loa (Ảnh: Tiến Nguyên).
Trống đồng Cổ Loa (Ảnh: Tiến Nguyên).

 

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận 25 bảo vật quốc gia (đợt 4) cho các hiện vật, nhóm hiện vật, gồm:

1- Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, thành phố Hà Nội).

2- Đôi trống đồng Lô lô (Niên đại: trống Đông Sơn nhóm D, khoảng thế kỷ V, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang).

3- Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ (Niên đại: năm 995, dưới thời vua Lê Đại Hành, hiện lưu giữ tại Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

4- Tượng Thần Visnu (Niên đại: thế kỷ VI, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp).

5- Tượng nữ thần Laksmi (Niên đại: Thế kỷ VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

6- Tượng Nữ thần Laksmi (Niên đại: Thế kỷ VII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp).

7- Đầu tượng thần Siva (Niên đại: khoảng đầu Thế kỷ X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam).

8- Tượng Sadashiva (Niên đại: khoảng Thế kỷ thứ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

9- Đầu tượng thần Siva (Niên đại: khoảng Thế kỷ thứ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

10- Pho tượng Trấn Vũ (Niên đại: năm 1802, hiện lưu giữ tại Di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

11- Bệ thờ Vân Trạch Hòa (Niên đại: Thế kỷ IX - X, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế).

12- Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (Niên đại: đầu Thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định).

13- Hương án chùa Khám Lạng (Niên đại: năm 1432, hiện lưu giữ tại di tích chùa Khám Lạng, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang).

14- Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương (Niên đại: cuối Thế kỷ XIX - đầu Thế kỷ XX, hiện lưu giữ tại Di tích đình Nội (còn gọi là Đền Lạc Long Quân), thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội).

15- Mô hình nhà (Niên đại: thời Trần, Thế kỷ XIII - XIV, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định).

16- Bia “Thanh Hư Động” (Niên đại: niên hiệu Long Khánh (1372 - 1377) thời Trần Duệ Tông, hiện lưu giữ tại di tích chùa Côn Sơn, phường Cộng hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

17- Bia điện Nam Giao (Niên đại: Niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, đời vua Lê Hy Tông (1679), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

18- Bia Khiêm Cung Ký (Niên đại: năm 1875, hiện lưu giữ tại di tích   Cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

19- Bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn (Niên đại: 1659 - 1684, hiện lưu giữ tại di tích Cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

20- Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám (Niên đại: Thế kỷ XVII, hiện  lưu giữ tại chùa Giám xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

21- Cây đèn gốm (Niên đại: Niên hiệu Diên Thành 5  (1582), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội).

22- Long đình gốm Bát Tràng (Niên đại: Thế kỷ XVII, hiện lưu giữ  tại Bảo tàng Hà Nội).

23- Ấn Sắc mệnh chi bảo (Niên đại: năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

24- Ngai vua triều Nguyễn (Niên đại: 1802 - 1945, hiện lưu giữ tại   điện Thái Hòa thuộc di tích Cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

25- Áo Tế giao (Niên đại: 1802 - 1945, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

 

11 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6) 11 di tích, bao gồm:

1- Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).

2- Di tích khảo cổ Mộ Cự thạch Hàng Gòn (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

3- Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

4- Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).

5- Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).

6- Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần Thương (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

7- Di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).

8- Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Bổ sung thêm 23 điểm di tích vào Hồ sơ Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

9- Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

10- Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh).

11- Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng  trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

 

Thế Kha