Công bố thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Dân trí) - Theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong số 17 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này có 7 di sản thuộc các dân tộc thiểu số.

Những di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần này thuộc bốn loại hình (lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian và nghề thủ công truyền thống), nằm trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Bắc Kạn, Thanh Hóa, Sơn La, Thái Nguyên và Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này bao gồm: Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng (Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn); Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày (Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn); Trò diễn Pôồn Pôông của người Mường (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa); Nghi lễ Cấp sắc của người Dao (tỉnh Sơn La); Lễ cúng dòng họ (Tu su) của người Mông (tỉnh Sơn La); Nghi lễ Tết nhảy (Nhảng chầm đao) của người Dao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của Người Tà Ôi (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đặc biệt, với Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng và Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày đã giúp tỉnh Bắc Kạn có hơn 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: “Chữ viết của người Dao”, “Lễ cấp sắc của người Dao”, “Chữ Nôm của dân tộc Tày”, “Lượn SLương của dân tộc Tày”, “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày”, “Lễ hội Lồng tồng Ba Bể”; “lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao”; “Nghệ thuật Khèn Mông”; “Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắc khoăn) của người Nùng”; “Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày”…

Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày - Bắc Kạn. Ảnh: TL.
Nghi lễ Cấp sắc Tào của người Tày - Bắc Kạn. Ảnh: TL.

Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc đã được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện khôi phục, bảo tồn như “Lễ Phjất Lăng của Người Dao đỏ” tại xã Quảng Khê (Ba Bể); “Nghi lễ Quá Tăng của người Dao” xã Nông Thịnh (Chợ Mới); “Lễ 3 ngày tuổi của người Dao Sán Chỉ” (Pác Nặm).

Hiện, toàn tỉnh Bắc Kạn có 75 lễ hội truyền thống, trong đó có 67 lễ hội dân gian, 8 lễ hội tôn giáo. Hàng năm, các lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên với phần lễ và phần hội phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; nhiều lễ hội thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh cũng như du khách thập phương đến tham dự như lễ hội Lồng Tồng Ba Bể, lễ hội Lồng Tồng Bằng Vân (Ngân Sơn), lễ hội Chùa Thạch Long (Chợ Mới)…

Ngày nay, những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Đây chính là tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc công nhận các di sản văn hóa phi vật thể trên sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Hà Tùng Long