Ninh Bình:
Công bố quyết định Cột kinh Phật là bảo vật quốc gia
(Dân trí) - Tối 15/4, tại lễ hội Trường Yên 2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chính thức trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là bảo vật quốc gia cho tỉnh Ninh Bình.
Tại buổi khai mạc lễ hội truyền thống Trường Yên 2016, huyện Hoa Lư, Ninh Bình tối 15/4, đại diện Bộ VH-TT&DL đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là bảo vật quốc gia.
Quyết định cũng nêu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Quyết định công nhận Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là bảo vật quốc gia cho lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.
Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ có niên đại từ năm 995, dưới thời vua Lê Đại Hành, hiện đang được lưu giữ tại Khu di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Với việc cho dựng Cột kinh Phật, vua Lê Đại Hành cầu mong quốc thái dân an, triều đình vững mạnh và sự tin tưởng nhiệm màu của Phật pháp.
Cột kinh Phật được làm bằng đá, cao 4,16m; nặng 4,5 tấn. Cột được lắp ghép bằng 6 bộ phận khác nhau bao gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Các bộ phận của Cột kinh Phật được gắn chặt với nhau bằng “mộng” mà không cần sử dụng chất kết dính. Với kiến trúc độc đáo trên, trải qua hàng ngàn năm nhưng các bộ phận của cột vẫn không tách rời và giữ được vẻ nguyên sơ.
Không chỉ độc đáo về kiến trúc, Cột kinh Phật còn là một hiện vật độc bản có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn.
Thái Bá