Con rắn trong đời sống văn hóa và nghệ thuật tạo hình

(Dân trí)- Năm Thìn đi qua năm Tỵ lại đến. Con Rồng năm “Nhâm Thìn” đang bàn giao thời gian cho con Rắn năm “Quý Tỵ”. Một con vật trong ngôn ngữ tiếng Việt cũng được đưa vào một số thành ngữ nhưng không phải nhiều lắm

Những thành ngữ gắn với con vật này đều có nghĩa xấu, chưa bao giờ được dùng để chỉ một hình ảnh đẹp. Chẳng thế mà ai ác, đáng ghét là người ta đỗ ngay là loài rắn độc.

Trong ngạn ngữ của ta những câu như ''Thẳng như rắn bò'', ''Thao láo như mắt rắn ráo'', ''Oai oái như rắn bắt nhái'',... vừa nêu lên những đặc điểm của loài rắn, vừa chỉ loại người mà nhân dân ta không ưa. Đối với những người ngoài miệng tử tế, nhưng bụng dạ nham hiểm, người ta thường có câu ''Khẩu phật tâm xà''. Với những người quá quắt thì không có gì đúng hơn câu ví ''Miệng hùm nọc rắn''. Và những kẻ rước quân xâm lược về giày xéo quê hương, đất nước thì muôn đời bị nguyền rủa là đồ ''Cõng rắn cắn gà nhà''...
 
Con rắn trong đời sống văn hóa và nghệ thuật tạo hình

Ai nấy đều biết, rắn và lươn là hai con vật hoàn toàn khác nhau. Rắn thuộc loại bò sát có vảy, thiếu chân, mình tròn, thon dài về phía đuôi. Khi di chuyển, rắn cử động uốn mình và nhờ các xương sườn có đầu tự do tì xuống để đẩy mình đi. Rắn thường sống trên cạn (trừ rắn nước, rắn biển) chui luồn trong các hang đất, bụi cây. Còn lươn là một loài cá nước ngọt, thường sống trong hang dưới nước. Da lươn không có vảy như các loài cá khác, mà trơn và nhớt. Lươn có cùng cấu tạo bề ngoài trơn như rắn, nghĩa là hình tròn ống và thon dần về phía đuôi. Đặc biệt, lươn không có nọc độc như ở một số loài rắn như hổ mang bành, cạp nông, cạp nia... Chính vì thế mà hình ảnh con rắn và nọc độc đã trở thành biểu tượng cho sự nguy hiểm và độc ác chẳng kém gì hùm beo nên mới có câu ''Hang hùm miệng rắn'' là vậy. Mặc dù hai con vật này khác nhau một trời một vực nhưng có lẻ do ngoại hình của chúng na ná giống nhau, cho nên thành ngữ ''Rắn đỗ nọc cho lươn'' mới xuất hiện. Song, thực tế lươn vẫn là lươn, rắn vẫn là rắn, vàng thau không thể lẫn lộn. Nhưng dân gian đã mượn hình ảnh này để lên án kẻ gây ác lại đổ vấy tội cho người hiền lành vô tội.
Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam cũng có nhiều truyện nói về rắn những truyện này đều nằm trong mô típ chung ''vật lấy người'' phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, nhất là ở những dân tộc ít người. Truyện người lấy rắn chắc ít nhiều có liên quan với quan điểm rắn là con vật hèn hạ và tai ác, cho nên rắn cũng là kiếp mà những người phạm tội phải chịu đựng, kiếp rắn là giai đoạn phải thử thách để họ có được hạnh phúc.

Rắn còn là biểu hiện của sự may rủi.
''Hễ đi gặp rắn thì may
Về nhà gặp rắn thì hay phải đòn''.

Rắn cũng là con vật dùng để cưỡi của một số thần linh... Ở nước ta rắn chưa bao giờ được coi là một con vật thiêng liêng. Vì vậy rắn không tồn tại trong văn hóa dân gian như là một biểu tượng thuần nhất. Tuy nhiên, trong y học con rắn lại được lấy làm biểu tượng cho ngành y. Con rắn có lưỡi dài, quắn thẳng đứng quanh chiếc gậy, đó là hình ảnh đẹp, lành ở châu Âu. Nó được vinh dự quấn quanh cây gậy nguyệt quế của Esculape. Theo thần thoại Hy Lạp, Esculape con của thần Apolon, là ông tổ nghề thuốc. Ông không những chữa bệnh lại còn làm cho người chết sống lại, bởi thế thần Zớt sai thiên Lôi đánh chết Esculape. Ông đã học nghề chữa bệnh của con nhân mã. Về sau, người ta dựng tượng vị thần y cùng con rắn vì con rắn đã góp công chống lại dịch bệnh. Đó là năm 290 trước công nguyên, La Mã bị dịch, người bệnh phải dâng ly rượu cúng thần Esculape mong tai qua nạn khỏi. Vì thế, về sau người ta vẽ thêm một cái ly bên cạnh con rắn và chiếc gậy làm biểu tượng cho nghề y. Như vậy, đối với con người, rắn lại là thứ thuốc chữa đuợc nhiều bệnh. Ngày nay nọc rắn được sử dụng trong y học để chữa trị một số chứng bệnh hiểm nghèo.
 
''Rắn đầu biếng học''

''Rắn đầu biếng học''

Lê Quý Đôn người làng Điện Hà (Thái Bình) con tiến sĩ Lê Trọng Thứ (Lê Phú Thứ) nổi tiếng học giỏi từ bé. Lúc ông mới bảy tuổi, có gười bạn của thân phụ ông đến chơi. Thân phụ ông than: ''Thằng Đôn rắn đầu biếng học''. Ông khách liền bảo Đôn làm bài thơ ''Rắn đầu biếng học''. Và ông đọc bài thơ mỗi câu có tên một loài rắn.
''Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà.

Rắn đầu biếng học chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tre
Từ rày Châu, Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng mẹ cha''

Điểm qua vài nét về rắn trong văn hóa và nghệ thuật tạo hình để thấy yếu tố tích cực mà con người đã trông chờ ở nó. Năm Tỵ sắp đến, theo truyền thống của cha ông, con rắn Việt sẽ đem tới hạnh phúc cho muôn nhà và nó sẽ là rắn độc với những kẻ tham nhũng, quan liêu sống vô luân thường đạo lý, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
 
Trịnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm