“Con phố hiếp dâm” trở lại bình yên nhờ nghệ thuật
(Dân trí) - Con phố vắng chạy qua khu ngoại ô Yelanhanka của thành phố Bangalore, Ấn Độ khét tiếng là… “con phố hiếp dâm”. Phụ nữ luôn tránh qua lại nơi này, ở đây, từ sáng tới tối đều vắng lặng. Con phố nguy hiểm ấy đã được lấy lại sự bình yên nhờ nghệ thuật.
Người dân bản địa gọi đây là “con phố hiếp dâm”, về đêm, con phố này không có ánh sáng, ban ngày, những chiếc xe buýt không hoạt động đậu nối đuôi nhau dọc hai bên đường. Con phố chạy dài 250m qua khu ngoại ô Yelahanka của thành phố Bangalore, Ấn Độ, yên ắng suốt cả ngày và bị coi là con phố nguy hiểm đối với phụ nữ.
Trên con phố này không có hoạt động kinh doanh nào để nó trở nên sôi động hơn vào ban ngày và lại càng vắng lặng hơn về ban đêm. Tất cả những ai vốn sinh sống ở Bangalore đều hiểu phụ nữ nên tránh xa con phố yên ắng đầy hiểm họa này.
Tuy vậy, một nữ nghệ sĩ đã quyết định tiến hành một dự án nghệ thuật vì cộng đồng có tên “Hãy trò chuyện với tôi”. Nữ nghệ sĩ mời những bạn trẻ hoạt động tình nguyện tới để cùng mình ngồi “tiếp khách”, sẵn sàng trò chuyện với bất cứ người lạ nào đi qua con phố khét tiếng.
Dự án nghệ thuật đơn giản nhưng hiệu quả và rất truyền cảm hứng này đã thu hút sự quan tâm của báo chí, dư luận Ấn Độ và còn đạt được những giải thưởng vì cộng đồng.
Kể từ khi xảy ra vụ cưỡng hiếp tập thể gây chấn động dư luận thế giới hồi năm 2012, xảy ra với một nữ sinh viên y khoa ở Delhi, Ấn Độ, sự lo lắng và cảnh giác của phụ nữ Ấn Độ càng lớn. Những tuyến phố vắng vẻ, ít người qua lại luôn khiến họ cảm thấy e ngại.
Nữ nghệ sĩ Jasmeen Patheja - người đứng đầu dự án nghệ thuật vì cộng đồng - muốn thay đổi cảm giác lo lắng, bất an của phụ nữ Bangalore, ít nhất để một tuyến phố khét tiếng bất an sẽ trở nên an toàn, lành mạnh hơn trong mắt chị em.
Dự án “Hãy trò chuyện với tôi” sử dụng công cụ mấu chốt là những cuộc trò chuyện. Những người tình nguyện tham gia dự án sẽ chuẩn bị những bình trà, những chiếc bánh samosa, mỗi khi có người lại qua con phố khét tiếng này, họ sẽ mời người đi đường ngồi lại một lúc để uống trà, ăn bánh, và trò chuyện nếu có thời gian.
Mục đích của những cuộc chuyện trò này trước hết là để dọc con phố luôn có người ngồi, bên những chiếc bàn uống nước, như vậy, phụ nữ Bangalore sẽ không còn phải lo lắng khi có việc đi qua con phố này.
Mục đích của nhóm tình nguyện là tạo nên một sự thay đổi nhỏ trong quan niệm của người dân Bangalore, để dần dần tuyến phố khét tiếng về nạn tấn công tình dục trở thành tuyến phố an toàn, tuyến phố của những cuộc chuyện trò thú vị.
Kể từ khi dự án “Hãy trò chuyện với tôi” được tiến hành ở Bangalore, ý tưởng này đã được nhân rộng đến những con phố ở Delhi, ở Kolkata…
Tại những tuyến phố có tiến hành dự án “Hãy trò chuyện với tôi”, chủ đề chung của các câu chuyện bên bàn trà sẽ được các tình nguyện viên dẫn dắt, xoay quanh những hành động thiếu tôn trọng đối với phụ nữ trên đường phố, trên phương tiện giao thông cộng cộng…
Những người khách lạ sẽ cùng chia sẻ, bày tỏ quan điểm, nhóm tình nguyện tin rằng những cuộc chuyện trò này sẽ có ý nghĩa thay đổi quan niệm của cộng đồng về lâu dài. Điều bất ngờ thú vị của dự án nghệ thuật vì cộng đồng này là họ đã giúp được những thanh niên “vụng về”, vốn cảm thấy khó khăn trong việc tiếp cận nữ giới.
Thực tế, có những nam giới Ấn Độ không biết nên tiếp cận phụ nữ như thế nào để vừa lịch sự, tôn trọng đối phương vừa gây thiện cảm và có cơ hội được chấp nhận làm quen, vì vậy, họ đã tìm đến với dự án, để được những tình nguyện viên tham gia tư vấn, giúp đỡ. Bên những bàn trà, các tình nguyện viên đã chứng kiến biết bao câu chuyện thú vị.
Những câu chuyện phiếm bên bàn trà đã giúp nhóm tình nguyện “Hãy trò chuyện với tôi” nhận ra rằng những vấn đề phức tạp, như nạn tấn công tình dục ở Ấn Độ, có lẽ còn bắt nguồn cả từ sự thiếu hiểu biết trong câu chuyện giới tính, từ những băn khoăn, rắc rối nhỏ trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như… không biết cách làm quen một cô gái.
Bích Ngọc
Theo Huff Post