Còn mãi “Tình anh bán chiếu”

Vĩnh biệt “Vua vọng cổ” Viễn Châu, người đã gửi vào hơn 2.000 bài ca cổ và nhiều kịch bản sân khấu những đạo lý ở đời sâu sắc, giàu nhân nghĩa, nhân văn

Thông tin NSND Viễn Châu đột ngột qua đời (ông trút hơi thở cuối cùng lúc 13 giờ 15 phút ngày 1-2-2016 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi) trong những ngày cận Tết làm cả giới sân khấu bàng hoàng. NSND Lệ Thủy nói trong nước mắt: “Tôi và chị Phượng Liên hẹn nhau sẽ qua thăm thầy, chưa kịp thì thầy đã ra đi. Tết này không có tiếng cười”.

Trái tim chưa hết rung động

Những ngày nằm dưỡng bệnh, đôi mắt mờ nhưng ông vẫn cố cặm cụi viết. Người cháu gái đục quyển sổ tay thẳng hàng để ông dùng ngón tay lần mò và viết cho ngay lối. Hai bài ca cổ cuối cùng ông viết trong tâm trạng không nhìn thấy mặt chữ nhưng văn phong vẫn tươi tắn, rót vào hồn người nghe dạt dào sự thương cảm, đó là “Giấc mộng lá sầu riêng” viết cho NSND Kim Cương trong đêm “Tạ ơn đời” và “Tâm sự cô bảy Cán Vá” viết cho NSND Ngọc Giàu ca trong đêm vinh danh “Đạo diễn NSND Huỳnh Nga - Một đời theo tổ nghiệp”. Và rồi, thỉnh thoảng ông bất chợt viết một bài thơ, một tứ văn để đưa vào bài ca cổ, ông lại chép vào đó, kêu cô cháu gái “cất vào tủ cho ông”.


NSND Viễn Châu luôn được các thế hệ nghệ sĩ quý trọng, thương yêu và NSND Lệ Thủy là một trong số đó

NSND Viễn Châu luôn được các thế hệ nghệ sĩ quý trọng, thương yêu và NSND Lệ Thủy là một trong số đó

Miệt mài hơn 65 năm tay đờn, tay viết, trái tim ông chưa bao giờ hết rung động cho đến ngày rời cõi tạm.

Sinh ra và lớn lên tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, ông xuất thân trong gia đình thuộc hàng khá giả, thân phụ là Hương cả. Ông là con thứ 6 trong gia đình nên còn có tên Bảy Bá theo cách gọi của người miền Nam.

Thuở nhỏ, ông học quốc văn ở trường làng và học Hán văn với những bậc túc nho tại gia. Khi còn học ở trường, ông đã mê đàn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Ông mày mò học những ngón đàn qua đĩa hát nhựa cũng như các nhóm đàn ca tài tử ở làng quê. Đến năm 19 tuổi, ông chơi thạo các loại đàn: tranh, violon, guitar, được nhiều người khen ngợi.

Năm 1942, ông tham gia Ban Cổ nhạc Ðài Phát thanh Pháp Á Sài Gòn. Tuy nhiên, dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của ông là truyện ngắn đầu tay “Chàng trẻ tuổi” được đăng trên báo Dân Mới và bài thơ “Thời mộng” được đăng trên báo Tổng Xã Mới trong năm đó.

Cuối năm 1943, ông theo đoàn Tố Như lưu diễn. Hai tháng sau, ông tham gia gánh ca kịch của nghệ sĩ Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Trên bước đường nghệ thuật của mình, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh bấy giờ như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lâm... và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác.

Kịch bản đầu tay của ông là “Nát cánh hoa rừng”, sau đó có hơn 70 kịch bản nổi tiếng được lưu hành từ sàn diễn cho đến thị trường băng đĩa, trong đó có các tác phẩm để đời như: “Một ngày làm vua”, “Vụ án Huỳnh Thổ Cang”, “Huyện chuột nuôi đề”, “Chung Vô Diệm”, “Hoa Mộc Lan”...

Gia tài ông để lại cho đời là hơn 2.000 bài vọng cổ, trong đó có những bài “nằm lòng” của biết bao thế hệ như “Tình anh bán chiếu”, “Sầu vương ý nhạc”, “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”...

Người thả diều trên bầu trời nghệ thuật

“Với tôi, bác Bảy là một ân nhân rất lớn, nhờ những khám phá trong kho tàng văn học và cổ nhạc, bác Bảy đã cho tôi phép mầu để biến cái không có thành có. Từ sự ghép nối giữa tân nhạc và cổ nhạc, bác Bảy đã cho ra đời thể loại âm nhạc sống mãi trong lòng công chúng: Tân cổ giao duyên” - NSND Lệ Thủy nghẹn ngào nói.

Nghệ sĩ Văn Hường nghe tin, cũng xúc động đến nghẹn lời: “Anh Bảy Viễn Châu ban cho tôi cơ hội trở thành anh hề ca vọng cổ với lối ca ự...ự đậm sệt Văn Hường. Và chỉ với mấy bài ông sáng tác cho tôi: “Tư Ếch đi Sài Gòn”, “Vợ tôi tôi sợ”, “Tiền”... mà tôi đã nuôi sống mình cho tới bây giờ. Công lao của anh Bảy lớn lắm, từ việc biên tập, chỉnh sửa câu ca, thể điệu cho nhiều hãng đĩa để ngày nay, chúng ta có một kho tàng vô giá gọi là chuẩn mực của bài vọng cổ. Tất thảy đều nhờ có bàn tay tài hoa của anh Bảy”.

Những sáng tác bất hủ của ông được xem là kịch bản kinh điển, giàu chất văn học, thủ pháp bay bướm, tính cách các nhân vật quyện vào từng tâm tính người đời. Những kịch bản sân khấu của ông đã dát vàng cho biết bao tên tuổi nghệ sĩ trở thành ngôi sao tài danh.

NSƯT Diệu Hiền cho biết “đến hôm nay, chỉ với 2 bài vọng cổ “Tần Quỳnh khóc bạn” và “Trụ vương thiêu mình” của thầy Bảy, tôi vẫn kiếm đủ tiền nuôi sống mình mỗi ngày. Tôi biết ơn thầy lắm!”.

“Ông là người cầm sợi dây diều nghệ thuật, thả càng cao sức diều càng no gió bay lên bầu trời nghệ thuật. Tôi may mắn là một trong những con diều căng gió trong tay của bác Bảy”- NSND Ngọc Giàu nói về ân nhân của mình.

Vĩnh biệt soạn giả tài hoa, danh cầm xuất chúng của nền cổ nhạc phương Nam. Biết bao thế hệ nghệ sĩ mang ơn ông, các mầm non sân khấu chập chững vào nghề đều mang ơn ông. Bởi rộng khắp trên mọi miền đất nước, cho đến những cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, nơi nào có tổ chức thi cổ nhạc thì bài của soạn giả Viễn Châu đều được chọn để tranh tài. Ông vẫn thường nói vui: “Tôi có dặn các con, khi tôi mất hãy để vào quan tài tôi một mớ giấy, viết để lên thiên đàng, tôi sẽ sáng tác, biết đâu sẽ gặp Hằng Nga, chú Cuội và mượn vầng trăng mà nhớ trần gian. Tôi không chết!”.

 

Tang lễ của NSND - soạn giả Viễn Châu sẽ được tổ chức tại nhà riêng (TK 8/11 đường Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1, TP HCM). Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 4-2 (tức 26 tháng chạp năm Ất Mùi), sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP HCM.

 

Theo Thanh Hiệp
Người Lao Động
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm