Con Lì Xì là con gì?

Lì Xì là một con vật không biết bay, không biết chạy, không biết đi cũng không biết bò. Nó có tên gọi khác là Phong Bao, to khoảng ba ngón tay, thường treo lủng lẳng như mực khô ở lề đường trong những ngày xuân. Nhiều người đã cầm thử thì thấy nó khô đét, chả có mỡ, chả có nạc cũng chả có xương, không tỏa ra mùi vị gì, còn tệ hơn một chiếc lá khô.

Chả hiểu Lì Xì bổ béo ra sao mà ai cũng nói tới vào dịp Tết. Tuy nhiên, thiên hạ chia làm hai phe rõ rệt vô cùng: Phe rất yêu Lì Xì, Phe rất sợ Lì Xì.

Phe Yêu là những kẻ được nhận. Nguyên tắc khi nhận là đứng thẳng đưa hai tay ra đỡ, cảm ơn và nói những lời chúc rất dễ thuộc lòng, được dùng Tết này sang Tết khác, người nọ tới người kia đến mức chưa hết câu thì ai cũng biết. Trong lúc mồm cảm ơn, mắt chớp chớp, tay phải kín đáo và nhẹ nhàng nắn xem Lì Xì béo hay gầy.

Lì xì vốn có ý nghĩa tốt đẹp nhưng dần biến tướng theo thời gian
Lì xì vốn có ý nghĩa tốt đẹp nhưng dần biến tướng theo thời gian

Tuy đã quan sát rất kỹ, chưa khi nào thấy người ta luộc Lì Xì, rán Lì Xì, kho Lì Xì hoặc nấu lì Xì với măng. Bỏ Lì Xì vào làm nhân bánh chưng lại càng không phải. Dù Lì Xì to hay nhỏ, hình vẽ bên ngoài đẹp hay xấu cũng chả ma nào quan tâm. Họ xơi Lì Xì bằng cách dùng tay moi ruột nó và tùy vào văn hóa, tuổi tác, phẩm hạnh mà moi khác nhau. Trẻ con hầu như moi ngay lập tức, người lớn moi sau khi chạy ra chỗ khuất hoặc moi dưới gầm bàn, moi sau cánh cửa, vừa moi vừa nhìn trước ngó sau giống y như ăn vụng.

Đã thế, thái độ sau khi moi cũng vô cùng đa dạng. Lắm anh vừa moi vừa rú lên, ngã lăn ra sau đó cười sằng sặc. Lắm chị moi xong nghiến răng lại, mắt trợn to, mặt tối sầm. Khối đứa trước khi moi tươi cười, sau khi moi bĩu môi rồi quăng gấp như cầm phải con chuột chết.

Lê Hoàng đưa ra góc nhìn thú vị và chân thực về tục lệ lì xì
Lê Hoàng đưa ra góc nhìn thú vị và chân thực về tục lệ lì xì

Chắc chắn Lì Xì không phải thuốc bổ vì chưa thấy bệnh nhân nào pha nó vào nước uống, hoặc bác sĩ nào dán nó lên vết thương. Lì Xì cũng không phải nghệ thuật vì chưa ai cầm lên đọc như đọc sách hoặc múa trên sân khấu mà đội nó lên đầu. Lì Xì cũng chả phải huy chương do cũng chưa thấy bà con đeo lên cổ, càng không phải áo tắm vì đâu thấy cô nào mặc nó nhảy ùm xuống bể bơi. Lì Xì không phải bằng cấp vì chưa thấy ai khoe mình mang danh hiệu giáo sư tiến sĩ Lì Xì, cũng không phải văn hóa vì chả kẻ nào hô hào nâng cao và phổ biến Lì Xì, mang ánh sáng Lì Xì đến các vùng xa xôi hẻo lánh. Thế nhưng trong những ngày xuân, đi đâu cũng nghe nói về Lì Xì, người thì nói oang oang, kẻ lại nói thì thầm, đa số vừa nói vừa rên rỉ và hốt hoảng, cứ như nói về một chứng bệnh nan y hoặc một tên kẻ cướp hung hăng.

Do đó, chúng ta đừng ngạc nhiên khi ngày Tết đang đi bỗng bị ai đó túm áo hỏi “Lì Xì đâu?” hoặc bạn bè nhắc nhở “Lì Xì chưa?”. Ta cũng đừng quá hốt hoảng khi gặp những người mặt mũi méo xẹo đi trên phố lảo đảo như kẻ thất thần, chẳng qua họ chỉ là vừa mới bị giật lì xì xong.

Tất nhiên, có cho Lì Xì lại có nhận Lì Xì và giữa hai phe đó luôn có kẻ phản bội nghĩa là vừa cho lại vừa nhận. Nhưng dư luận thấy rõ ràng phe cho kêu to hơn và đông hơn. Họ còn tố cáo hôm nay nhiều đứa không còn bình tĩnh chờ cho nữa mà công khai đòi hỏi, vòi vĩnh, thậm chí đe dọa, mỉa mai, đay nghiến nếu không nhận được Lì Xì. Xã hội đã phát triển tới mức có nhiều cách Lì Xì không cần phong bao cũng không cần moi ruột vẫn nhìn thấy bên trong. Những cách ấy kẻ tầm thường không dễ chứng kiến.

Nói tóm lại, Lì Xì là một thứ gì rất bí hiểm, gây phiền nhiễu, ai cũng muốn ăn nhưng ăn rồi luôn kêu đau nhức toàn thân khiến các nhà lí luận hoang mang lo lắng. Người ta mong lì xì, sợ lì xì và gặp ác mộng khi nghĩ đến lì xì cũng không phải hiếm.

Nhân dịp xuân về, xin lì xì độc giả bài viết này.

Lê Hoàng