“Con đường xưa em đi” sẽ được xem xét cấp phép lưu hành trở lại

(Dân trí) - Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, 5 ca khúc bị cấm lưu hành vì sai lời, nếu đã xác định được bản gốc, tên tác giả và có đơn vị, cá nhân đề nghị cấp phép thì Cục sẽ tổng hợp tư liệu báo cáo lên Bộ, rồi xem xét cấp phép trở lại.

Rất nhiều câu hỏi “nóng” xoay quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đang bị cấm lưu hành vì bị cho là sửa lời, sai tên tác giả tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra chiều ngày 12/4 tại Hà Nội.

Rất nhiều câu hỏi “nóng” xoay quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đang bị cấm lưu hành tại buổi họp báo chiều ngày 12/4.
Rất nhiều câu hỏi “nóng” xoay quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đang bị cấm lưu hành tại buổi họp báo chiều ngày 12/4.

Trả lời tại cuộc họp báo, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cho rằng, Cục gửi tới các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước quyết định thu hồi việc phổ biến 5 ca khúc này từ ngày 22/3/2017. “Chúng tôi ra quyết định thu hồi vì 5 ca khúc đều vi phạm vấn đề bản quyền”, ông Đào Đăng Hoàn khẳng định.

Cụ thể, theo ông Hoàn, các ca khúc bị cấm lưu hành là những ca khúc đã sửa lời, sai tên tác giả. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích thêm, quyết định thu hồi được Cục NTBD thực hiện trên cơ sở theo NĐ 79 và NĐ 15.

Ông Đào Đăng Hoàn cũng chia sẻ thêm: “Nhiều đơn vị muốn xin phép lưu hành ca khúc đã “né”, ca khúc nào có từ nhạy cảm là họ thay lời khác. Hay ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” không phải của tác giả Diên An mà của tác giả khác.”

Trước câu hỏi, liệu khi ra quyết định cấm 5 ca khúc, Cục NTBD có tham khảo ý kiến của gia đình nhạc sĩ hay không? Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Cục NTBD là nơi cấp phép thì có đủ thẩm quyền thu hồi tác phẩm vi phạm pháp luật. Cục NTBD có đủ tư liệu để khẳng định tác phẩm vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính, không cần phải hỏi chủ sở hữu quyền tác phẩm.

Bản gốc Con đường xưa em đi
Bản gốc "Con đường xưa em đi"

Về việc các ca khúc sau khi đã xác định được bản gốc, xác định đúng tên tác giả thì có được cấp phép lưu hành trở lại hay không; ông Lê Minh Tuấn cho biết, theo đúng thủ tục hành chính, khi có đơn vị hoặc gia đình tác giả gửi bản gốc có xác nhận của chủ sở hữu quyền tác phẩm xin cấp phép thì Cục NTBD sẽ xem xét để cấp phép trở lại.

“Sau khi thu thập tư liệu, chúng tôi sẽ báo cáo lên Bộ để xem xét về vấn đề cấp phép trở lại cho những ca khúc này”, ông Lê Minh Tuấn nói.

Về ý kiến, Cục nên có danh sách các ca khúc cụ thể bị cấm lưu hành để các tác giả và khán giả được biết rõ ràng thay vì tình trạng “lâu lâu lại có ca khúc bị ngừng cấp phép, bị cấm” khiến dư luận phản ứng. Ông Đào Đăng Hoàn trả lời thẳng thắn: “Chúng tôi không thể có danh sách tất cả các ca khúc, làm sao để thu thập được tất cả các ca khúc để dựa vào đó đưa ra danh sách các ca khúc không được cấp phép. Chúng tôi phải thông qua việc các đơn vị, cá nhân xin cấp phép ca khúc để thẩm định, rồi đưa ra quyết định có cấp phép hay không.”

Thanh Tuyền- Chế Linh từng thể hiện Con đường xưa em đi.
Thanh Tuyền- Chế Linh từng thể hiện "Con đường xưa em đi".

Xoay quanh việc 5 ca khúc sửa lời bị cấm và việc ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép, báo chí đã đặt câu hỏi về những bất cập trong việc cấp phép, liệu có nên thay đổi cơ chế “xin- cho”? Ông Đào Đăng Hoàn trả lời khá gay gắt: “Tôi không đồng ý với câu hỏi này. Chúng tôi chỉ thực hiện theo đúng pháp luật, dựa trên NĐ 79. Tác phẩm nào tốt sẽ được cấp phép dù của bất cứ tác giả nào.”

Theo ông Đào Đăng Hoàn, hơn 2.000 ca khúc sáng tác trước năm 1975 và sáng tác của các nhạc sĩ tại hải ngoại đã được cấp phép, đăng lên website. Còn lại, rất nhiều ca khúc chưa được cấp phép. “Những ca khúc chưa có đơn vị, cá nhân nào đứng ra xin phép thì chưa được cấp phép. Từ sau năm 1975, ca khúc “Nối vòng tay lớn” đã được biểu diễn rất nhiều nhưng chưa được cấp phép. Vấn đề này còn liên quan đến vấn đề bản quyền nữa. Các ca khúc chưa được xin phép để cấp phép, nếu tùy tiện biểu diễn mà tác giả không đồng ý cho biểu diễn thì sao?”, ông giải thích thêm.

Ông Đào Đăng Hoàn khẳng định không có cơ chế “xin-cho” ở đây, mà việc cấp phép được làm đúng quy định pháp luật!

Trước đó, việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 và cấm lưu hành vĩnh viễn các dị bản đã gây ồn ào trong dư luận và nhận phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. 5 ca khúc bao gồm: “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương); “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An).

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm