Con đường nào để Tuồng đến gần hơn với công chúng?
(Dân trí) - Vốn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc, tuy nhiên Tuồng xưa nay dường như vẫn... xa lạ với công chúng đương đại.
Tuồng là bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học vào loại bậc nhất của Việt Nam, tuy nhiên sức lan tỏa “lôi kéo” của nó đến với khán giả còn rất khiêm tốn. Với mục đích tìm ra con đường đi mới cho Tuồng để hướng đến công chúng, nhà hát Tuồng Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm “Đêm hoàng cung” và cuộc tọa đàm xunh quanh vấn đề “Làm thế nào để Tuồng đến gần hơn với khách du lịch?”.
“Đêm hoàng cung”được chia làm 2 phần rõ rệt: Giới thiệu về trang phục của các nhân vật sẽ biểu diễn và các tích trò như “Ông già cõng vợ đi xem hội”; “Liêm Cương thuần phục ngựa”; “Nhạc kèn khúc khải hoàn”; “Múa hát hầu thánh” (hầu đồng).
Chương trình diễn ra như một buổi biểu diễn trong cung đình có Vua và hoàng hâu cùng thưởng thức thông qua cuộc nói chuyện hỏi – đáp để lí giải về nguồn gốc và ý nghĩa của các tích trò. Đan, lồng trong phần biểu diễn của các nghệ sĩ là phần chữ chạy bằng Tiếng anh trên sân khấu giúp cho du khách nước ngoài có thể hiểu được những gì đang diễn ra.
Đáp ứng được thị hiếu của đại bộ phận khách du lịch, “Đêm hoàng cung” với điểm nhấn vào trò “Ông già cõng vợ đi xem hội” và đặc biệt là “Múa hát hầu thánh” (hầu đồng) được giới chuyên môn đánh giá cao về sự hấp dẫn, thu hút được người xem. Cùng tham gia vào buổi tọa đàm “Làm thế nào để Tuồng thực sự thu hút được khách du lịch”, nhiều ý kiến đóng góp đưa ra xunh quanh một số vấn đề sau
Cần tăng thời lượng của các buổi diễn
Theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: Hiện nay các chương trình của nhà hát Tuồng được diễn ra vào các thứ 2,5, chủ nhật để phục vụ người xem. Tuy nhiên đứng trên góc độ của nhiều công ty lữ hành với thời lượng 3 buổi/ tuần là quá ít bởi khách sẽ phải chờ mà quỹ thời gian của họ thì không có.
Vẫn biết nếu tăng số buổi biểu diễn lên đồng nghĩa với việc nhà hát Tuồng sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí mà không chắc lượng khách sẽ đông. Tuy nhiên đây được coi là chiến lược mang tính dài hơi buộc các nghệ sĩ có thể phải bù lỗ trước để thu lãi sau.
Tăng thêm hoạt động để tương tác với khán giả
Song song với việc nâng cao chất lượng các tiết mục nghệ thuật, nhà hát Tuồng Việt Nam đã và đang xây dựng hệ thống các hoạt động để tăng tính tương tác với khán giả như: Mời nước người đến xem; Chú trọng việc trang trí, bài tiết không gian từ ngoài và trong mang đậm chất Tuồng để khán giả được hòa mình vào một không gian nghệ thuật thực sự; Tăng cường các hoạt động cho khách thuê trang phục biểu diễn chụp ảnh và đặc biệt sẽ có sự giao lưu giữa những nghệ sĩ và khán giả…
Bên cạnh đó các ý kiến như: Đưa nhân viên của nhà hát Tuồng theo các đoàn khách du lịch để có thể quảng bá, giới thiệu và dẫn dắt khách đến với sản phẩm của mình hay việc chú trọng hơn nữa đến quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng… cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Liên tục có các chương trình hấp dẫn mới để đổi thực đơn cho khách.
Với sản phẩm “Đêm hoàng cung”, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó cục trưởng Tổng cục du lịch đánh giá là thành công cả về mặt diễn xuất, trang trí sân khấu, hứa hẹn thu hút được nhiều khách du lịch đến thưởng thức. Tuy nhiên để phục vụ cho “chiến dịch” lâu dài, anh em nghệ sĩ của nhà hát Tuồng Việt Nam phải không ngừng có những sản phẩm mới hấp dẫn để đổi thực đơn cho những khách du lịch.
Cùng xem clip trích đoạn những trò hấp dẫn trong "Đêm hoàng cung".
Trò "Ông già cõng vợ đi xem hội".