Con đường gốm sứ ven sông Hồng bị phá dỡ 600m, chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Con đường gốm sứ ven sông Hồng - một biểu tượng của Hà Nội vừa phải phá dỡ 600m để phục vụ việc mở rộng đường khiến nhiều người dân tiếc nuối.
Dự án “Con đường sốm sứ ven sông Hồng” (Hà Nội) xuất phát từ ý tưởng của hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, dài gần 3950m, diện tích khoảng 7000m2, được khởi công từ năm 2008.
Bức tranh gốm có 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo nhiều chủ đề khác nhau. Tranh gốm do các nghệ nhân của các làng nghề gốm truyền thống như: Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc... tạo tác.
Đây được xem là một công trình nghệ thuật chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhân dân Thủ đô Hà Nội. Công trình này đã nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội” năm 2008 và Tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”. Trong hơn 10 năm qua, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” trở thành biểu tượng của Thủ đô.
Tuy nhiên, mới đây, nhằm phục vụ việc mở rộng đường Âu Cơ để xây dựng cầu vượt tại nút An Dương - Thanh Niên, con đường gốm sứ bị phá hơn 600m (đoạn ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu) trong sự tiếc nuối của nhiều người.
Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tiếc vì phá dỡ đoạn tranh gốm dài 600m ở khu vực ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu. Đoạn tranh này có nhiều bức tranh gốm quý tái hiện phố cổ của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, đoạn tranh của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO)... Những đoạn tranh này là tình yêu, tình cảm của rất nhiều tổ chức dành cho Thủ đô Hà Nội, kể cả công sức của các nghệ sĩ, các nhà tài trợ để tạo nên từng mảnh gốm trên bức tranh.
Việc phá dỡ đoạn tranh gốm chắc chắn có ảnh hưởng đến Kỷ lục Guinness Thế giới. Tôi sẽ phải báo cáo con số này đến Tổ chức Kỉ lục Guinness Thế giới và với lời hứa là sẽ xin làm đền bù lại. Thậm chí chúng tôi có thể tạo nên một kỉ lục mới”.
Nhà văn, nhà “Hà Nội học” Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, con đường gốm sứ ven sông Hồng gồm nhiều chủ đề, mỗi đoạn kể một câu chuyện khác nhau. Vì thế, nếu có đập đi 600m thì cũng không ảnh hưởng chung đến bức tranh tổng thể.
“Trước nay, phát triển luôn mâu thuẫn với bảo tồn. Con đường gốm sứ ven sông Hồng cũng đã tồn tại hàng chục năm nay, mọi người đã quen mắt, quen hình. Tuy nhiên, con đường đó không thể không mở rộng bởi nó là đoạn đường chúng ta thường đón các đoàn ngoại giao đi từ sân bay Nội Bài về và cũng là đường dân sinh rất quan trọng.
Còn việc trả lại bức tranh đó thì chỉ có cách sau khi công trình ở đó hoàn thiện, bên thành phố Hà Nội nên có buổi làm việc với người sáng tạo bức tranh đó và đơn vị thi công để gắn lại bức tranh gốm bên con đường bê tông mới. Đó là giải pháp phù hợp nhất và giải quyết được tất cả”, nhà “Hà Nội học” Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù việc phá dỡ đoạn tranh gốm 600m là điều đáng tiếc nhưng cũng phải chấp nhận vì giao thông đoạn đường này cũng rất quan trọng. Việc mở rộng đoạn đường sẽ giải quyết được bài toán ách tắc cũng như đảm bảo hơn về mặt lưu thông cho tuyến đường trọng yếu.
Ngay sau khi hoàn thiện con đường, hai bên đường vẫn sẽ lại có những bức thành bê tông để đơn vị thi công có thể gắn trả lại bức tranh gốm. Điều quan trọng là cân nhắc xem có nên gắn lại chủ đề cũ hay làm một chủ đề mới để phù hợp hơn với sự phát triển mới của Thủ đô cũng như thị hiếu của người dân.
Hà Tùng Long