Biên kịch phim "Bão ngầm":

"Có người hứa tặng nhà lớn cho tôi nếu con họ thoát án tử hình"

Hương Hồ

(Dân trí) - "Thời điểm tôi đang điều tra một vụ giết người, đối tượng nói nếu con họ thoát tử hình sẽ mua tặng tôi một cái nhà lớn ở phố Bạch Mai...", biên kịch phim "Bão ngầm" - Trung tá Đào Trung Hiếu kể.

Trung tá Đào Trung Hiếu được công chúng biết đến không chỉ là biên kịch kiêm phó đạo diễn bộ phim truyền hình đang gây chú ý, "Bão ngầm". Anh còn là nhà văn, viết báo, là một võ sư và chuyên gia, Tiến sĩ nghiên cứu tội phạm học...

Trò chuyện cùng PV Dân trí, biên kịch "Bão ngầm" lần đầu hé lộ nhiều câu chuyện có thật, gay cấn lên phim:

Có người hứa tặng nhà lớn cho tôi nếu con họ thoát án tử hình - 1

Nhà văn, biên kịch, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Bão ngầm" đánh dấu lần đầu tiên anh làm phim, và từ lúc mới phát sóng cho đến nay khi đã đi được hơn nửa chặng đường, anh vẫn nhận về không ít "gạch đá"? 

- Tôi muốn chia sẻ một chút, trong nhiều tuần, bộ phim "Bão ngầm" đạt rating 5.3%, cao nhất trong số những chương trình được xem nhiều nhất hiện nay theo thống kê của các nhà Đài. Điều ấy cho thấy phim "Bão ngầm" đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ khán giả trong cả nước. Và khi đã nhận được sự quan tâm đông đảo, có lời khen thì chắc chắn cũng phải có tiếng chê, đó là điều đương nhiên.

Có nhiều lời khen đây là bộ phim chân thực nhất từ trước tới nay về đề tài trinh thám hình sự, diễn biễn nhanh, tiết tấu khó đoán, câu chuyện li kì và đặc biệt nó phản ánh sát với đời sống hiện thực, dàn diễn viên hùng hậu, bối cảnh phim đẹp, đại cảnh hoành tráng với sự đầu tư lớn. Còn những lời chê cũng rất vô cùng, thậm chí có những phản biện rất nặng nề, mang sắc thái đấu tố, quy chụp chứ không phải là nhận xét về một tác phẩm nghệ thuật mang tính hư cấu. 

Có người chê yếu tố lồng tiếng thoại như đọc, đặc biệt có một anh nọ quy chụp rằng phim làm xấu hình tượng lực lượng vũ trang, mô tả bộ đội biên phòng lép vế trước công an, những tình tiết phim vô lý, hay câu chuyện tình yêu trong phim bị nâng cao quan điểm như làm xấu hình tượng  nữ chiến sĩ công an… 

Với tư cách là biên kịch kiêm phó đạo diễn, tham gia vào ê -kíp sáng tạo của bộ phim, tôi cảm ơn những phản hồi đó, nhưng tôi luôn "gạn đục khơi trong", biết lắng nghe, chọn lọc và tôn trọng những ý kiến chê xác đáng, xây dựng. Đồng thời cũng tự tin vào các căn cứ để lập luận, phản bác lại những phản hồi ác ý, tiêu cực và mang tính vùi dập, dìm hàng vì các động cơ khác nhau.

Có người hứa tặng nhà lớn cho tôi nếu con họ thoát án tử hình - 2

Biên kịch Đào Trung Hiếu (thứ 2 từ phải sang) và NSND Trần Nhượng (thứ hai từ trái sang) trong hậu trường phim (Ảnh: Facebook nhân vật).

Anh giải thích thế nào trước những ý kiến chê đó của khán giả? 

- Trước hết, ai đó nói đây là bộ phim làm xấu đi hình ảnh lực lượng vũ trang là sai, là ý kiến hạ thấp vai trò của bộ đội biên phòng. Đây là bộ phim tôi viết để tôn vinh công an. Sở dĩ tôi đưa lực lượng biên phòng vào bộ phim này là vì tôi chơi thân với nhiều anh trong lực lượng này.

Tôi hiểu rõ Lực lượng bộ đội biên phòng trong những năm qua đã rất tích cực trong việc đấu tranh, bài trừ tội phạm ở vùng biên giới trong có tội phạm ma túy và đã lập được rất nhiều chiến công vẻ vang. 

Tuy nhiên, tính đến nay chưa có một bộ phim nào mô tả những hy sinh thầm lặng của họ. Trong gần 20 năm làm điều tra viên, trinh sát viên, tôi đã rất nhiều lần phối hợp với bộ đội biên phòng để điều tra phá án, nên hiểu được sự hy sinh, vất vả cũng như bản lĩnh làm án của họ. Nhân cơ hội viết kịch bản bộ phim "Bão ngầm", tôi đã xây dựng một số trường đoạn bộ đội biên phòng tấn công, xóa sổ trang trại ma túy lộng hành tại vùng biên do Thào A Chư cầm đầu…

Tư tưởng, mục đích tôn vinh chiến công của lực lượng biên phòng đã quá rõ! Vậy mà tôi không hiểu vì sao người ta lại nói phim làm xấu đi hình ảnh bộ đội biên phòng?

Nhiệm vụ chính của biên phòng là bảo vệ biên giới, nhưng các anh đã phá án chuyên nghiệp không thua kém gì lực lượng công an. Hơn nữa, quan hệ phối hợp giữa công an và quân đội đã diễn ra rất tốt đẹp, nhịp nhàng, vì công việc chung. Do đó, việc cho rằng phim có ác ý hạ thấp vai trò của lực lượng biên phòng là rất buồn cười, không đúng điều mà bộ phim phản ánh. 

Tôi nghĩ thưởng lãm nghệ thuật nên khác cách thầy mù xem voi. Việc cắt lát sự việc thành chi tiết rời rạc rồi bình phẩm với giọng ỉ ôi, lấy bộ phận để quy chụp cho tổng thể là vi phạm logic hình thức, thường là hành xử của người thiếu lương tâm, nhân cách hiện ra sự hẹp hòi, nhỏ nhen, đố kị. Cũng có thể là chưa phát triển đầy đủ về nhận thức để có thể đưa ra những nhận xét chính xác, khách quan và thuyết phục. 

Có người hứa tặng nhà lớn cho tôi nếu con họ thoát án tử hình - 3
Nhân vật Đào Hải Triều được đo ni đóng dày cho diễn viên Hà Việt Dũng (Ảnh: Sưu tầm). 

Thứ hai, "Bão ngầm" kể về tính khốc liệt của cuộc chiến diễn ra ở cả 3 địa hạt:  đấu tranh bài trừ tội phạm, đấu tranh làm trong sạch nội bộ, đấu tranh trong tư tưởng, nội tâm người lính để giữ gìn sự liêm chính. Trong 3 cuộc chiến này, tôi lấy xung đột với tội phạm để tạo môi trường, chất dung môi, làm cái cớ để kể về 2 cuộc xung đột còn lại, diễn ra trong nội bộ và ở nội tâm. 

Chủ đề tác phẩm của tôi nhấn mạnh về sự khốc liệt của 2 cuộc chiến phát sinh từ cuộc đấu tranh bài trừ tội phạm. Tựa đề "Bão ngầm" với hàm ý kể về những cơn bão, đấu tranh nội tâm, cuộc chiến đấu khốc liệt nhất không nhìn thấy bằng mắt thường. 

Chúng ta đều đã biết thời gian qua có hơn 40 tướng lĩnh lực lượng vũ trang bị khởi tố hình sự về nhiều tội danh. Thực tế này phải giải thích thế nào đây? Nếu né tránh hiện thực, không mô tả những hiện tượng này, thì bộ phim sẽ không thể thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả như đang thấy. 

Trong phim "Bão ngầm", người lính hiện lên không còn đơn giản như cách tuyên truyền truyền thống, mà hiện lên đa chiều. Tôi mô tả người lính với tất cả các sắc thái tâm lý hỉ, nộ, ái, ố như bất kỳ ai. Có những người suy thoái biến chất và cũng có những anh hùng, vượt lên được những đòi hỏi cá nhân để làm việc vì nước, vì dân. Những người quen với cách xây dựng hình tượng người lính toàn thiện, toàn mỹ theo lối mòn trước đây, cảm thấy sốc khi sự thật bị phanh phui một cách trần trụi trên phim. 

Nhiều người bảo tôi: "Ông làm, viết thế này là làm xấu hình ảnh công an nhân dân! Thật khó hiểu là tại sao họ không nhìn vào tấm gương ông Hoạch, Thắng, Triều tận tụy chiến đấu mà chỉ nhăm nhe vào hình tượng ông Tuất…?

Hiện nay lực lượng công an đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh bài trừ tiêu cực, trên tinh thần không có vùng cấm, đúng theo phương châm của Đảng. Bộ phim này cổ vũ cho cuộc đấu tranh thiện ác đó.

Thực ra, phim "Bão ngầm" mới chỉ là nét chấm phá một phần hiện thực trái chiều mà thôi, vì tư tưởng chủ đề chính của phim vẫn là tôn vinh những chiến công và hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an, biên phòng chứ không phải là bộ phim nhằm bóc mẽ, công kích một cá nhân nào cả. Bản thân tôi chỉ là rong chơi với nghề phim thôi, viết bằng sự đau đáu những gì mình đã trải qua hơn 20 năm qua. 

Anh chia sẻ trên trang cá nhân là "Chẳng dại gì mà làm phim nữa", chứng tỏ anh cũng để ý và bị ảnh hưởng từ những phản ứng gay gắt, tiêu cực ấy chứ? 

- Tôi nói vui đấy và xem thử hiệu ứng đám đông sẽ thế nào. Dưới bài đăng đó, nhiều anh em, bạn bè đồng nghiệp và cả học trò của tôi đều để lại những lời động viên, khen ngợi và khuyến khích tôi tiếp tục làm phim đi. Và hiện tại, tôi đang trong quá trình hoàn thiện kịch bản phim "Vòng xích", một bộ phim nói về tội phạm ở vùng nông thôn.

Có người hứa tặng nhà lớn cho tôi nếu con họ thoát án tử hình - 4

Một cảnh trong phim "Bão ngầm" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh từng chia sẻ, câu chuyện trong phim cũng có câu chuyện của anh, nhân vật của anh cũng là nguyên mẫu ngoài đời? 

- Có những câu chuyện trong "Bão ngầm" cũng là câu chuyện của chính tôi, khi tôi phải thuê nhà 20m2, con cái nheo nhóc, đêm ngủ phải lấy cả sập cả ghế kê làm giường. Nhiều đêm tôi thức trắng để viết bài, viết báo để có thêm thu nhập trả tiền nhà. Đúng thời điểm đó tôi đang điều tra một vụ giết người, đối tượng nói nếu con họ thoát tử hình sẽ mua tặng tôi một cái nhà lớn ở phố Bạch Mai.

Người ta không có gì ngoài tiền cả, tôi đứng trước sự lựa chọn, cám dỗ đấy. Họ nhờ người ở trên tôi, có địa vị hơn tôi ra nói chuyện. Tôi nói luôn, nhà thì em rất cần nhưng ai sẽ trả lời cho 3 vong hồn này? Tôi từ chối luôn. Nhưng từ chối cũng không phải đơn giản mà đó còn là sự giằng xé và lo ngại đến cả sự an toàn của gia đình mình.

Hay nhân vật ông Tuất cũng là một phần nguyên mẫu có thật ngoài đời, người đó chính là đồng đội của tôi, hiện đang ngồi tù. Nên có thể nói "Bão ngầm" là  bộ phim chân thực nhất, chạm tới đáy nhất về người lính hình sự. 

Bộ phim "Bão ngầm" chỉ còn 20 tập nữa là kết thúc, anh có thể tiết số phận của các nhân vật trong phim hay câu chuyện tình giữa Triều - Lam - Hùng sẽ đi về đâu? 

- Lam - nữ trinh sát của tôi là nhân vật đáng thương, đáng trách nhưng cũng đáng ngưỡng mộ. Còn đáng ngưỡng mộ như thế nào khán giả hãy xem hết phim rồi sẽ thấy. Còn chuyện tình yêu cũng vậy, vẫn còn nhiều điều ly kỳ khó đoán và là một ẩn số, tôi xin phép không thể tiết lộ. Tôi chỉ chia sẻ một chi tiết sẽ xuất hiện trong những tập tiếp theo, Hải Triều gặp Lam và nói: "Cô đừng vì chuyện tình yêu tội lỗi của mình mà làm cho bao nhiêu công sức của anh em, đồng đội phải đổ sông đổ biển". 

Anh đánh giá thế nào về dàn diễn viên trong phim "Bão ngầm"? 

- Đó là những diễn viên trẻ tài năng, nhiệt huyết và có thực lực. Đặc biệt, hình tượng trinh sát Hải Triều với bề ngoài có vẻ phong trần, đàn ông và phảng phất chút giang hồ được Hà Việt Dũng thể hiện tôi cho là rất thành công. Không quá khi nói Đào Hải Triều sinh ra là để dành cho Hà Việt Dũng. 

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!