Cổ ngữ bí ẩn trong ngôi làng thủ đô
Một thứ ngôn ngữ không theo bất kỳ quy luật ngữ âm nào, không có cả trong những bản chép tay. Chỉ có con người được sinh ra, lớn lên trong một ngôi làng mới hiểu được ý nghĩa và lưu giữ bằng cách truyền khẩu từ đời này sang đời khác.
Ngôi làng cối xay tre
Đi theo hướng quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, làng Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là ngôi làng lừng danh với nghề đóng cối tre độc nhất vô nhị một thời. Trong ngôi cổ đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia của làng với tuổi đời đã nửa thiên niên kỷ, ông từ đình Nguyễn Ngọc Đoán, năm nay 75 tuổi, niềm nở giới thiệu cho tôi về thứ ngôn ngữ kỳ lạ mà chỉ người làng ông mới có, người ngoài làng nghe sẽ không tài nào hiểu được.
Hàng chục năm về trước, khi những người thợ cối trong làng rong ruổi mưu sinh khắp các vùng đồng bằng Bắc Bộ, rồi vùng núi phía Bắc thậm chí cả khu vực miền Trung -Tây Nguyên. Thứ ngôn ngữ này đã được họ dùng để giao tiếp hàng ngày với những ám hiệu riêng, dần dần ngôn ngữ được hoàn thiện và tích góp trong quá trình đi làm nay đây mai đó khiến ngữ điệu và từ vựng thêm phong phú, dần hoàn thiện, ông Đoán chia sẻ.
Kỳ lạ hơn, ngay cả những người nhiều tuổi nhất làng cũng không thể biết ngôn ngữ này có từ bao giờ. Chỉ biết rằng từ bé đã được học truyền miệng từ cha ông họ. Bí mật nghề nghiệp cũng được giấu kín trong cổ ngữ, người làng Đa Chất sáng tạo ra hệ thống ngôn ngữ như một loại tiếng lóng nhằm mục đích chỉ những người phường thợ cối với nhau mới hiểu để thuận tiện trong trao đổi công việc và giữ bí mật nghề.
Mặc dù giờ đây xã hội ngày càng phát triển, nghề đóng cối xay của làng thế hệ trẻ chẳng còn ai theo đuổi nữa do nhu cầu dùng vật dụng này trong cộng đồng không còn mấy. Dân trong thôn cũng bỏ đi làm lao động tự do, làm thợ xây, thợ nề thuê ở các thành phố lớn nhưng với khoảng hơn 350 hộ dân, 1500 nhân khẩu, 100% là người Kinh, người làng Đa Chất vẫn thích sử dụng thứ ngôn ngữ kỳ lạ này trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Một trong những chiếc cối xay tre hiếm hoi còn lại trong làng
Ông từ đình Nguyễn Ngọc Đoán giới thiệu về ngôn ngữ kỳ lạ của làng Đa Chất
Ngôn ngữ vô thừa nhận
“Khênh để xì pha mận thu các cháu thít”, “Mời các anh vào, để tôi pha trà mời các anh uống”, ông Nguyễn Văn Sớm, 80 tuổi, một vị cao niên trong làng cười rồi dịch luôn ý nghĩa của câu nói trong sự ngơ ngác của chúng tôi để bắt đầu buổi trò chuyện. Ở đây, người trong làng từ già đến trẻ tất cả đều biết thứ ngôn ngữ này, kể cả trẻ nhỏ lớp 1,2 cũng đã có thể hiểu được khi nghe người lớn nói chuyện với nhau.
Xã Đại Xuyên là xã anh hùng trong thời kỳ kháng chiến, Đa Chất là thôn cả trong 6 thôn của xã, thứ ngôn ngữ không ai hiểu, chỉ người thợ cối hiểu mà người ngoài vào làng muốn biết phải được phiên dịch đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và chú ý của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ hàng đầu đến với mảnh đất này.
Mặc dù vậy, sau rất nhiều những nghiên cứu, ngôn ngữ kỳ lạ của làng chỉ được coi như một loại tiếng lóng, một loại biệt ngữ sáng tạo kết tinh từ quá trình lao động sản xuất của người dân nơi đây chứ không được công nhận vào hệ thống ngôn ngữ của Việt Nam do nguồn gốc không rõ ràng của nó.
Ông Nguyễn Ngọc Đoán nói rằng, ông theo nghề đóng cối xay từ khi 16 tuổi đến năm 65 tuổi, tức là đã lang bạt hàng chục năm trời kiếm sống. Hầu hết người làng ông ngày trước đều thế, cứ bôn ba như vậy nên từ ngữ bổ sung ngày càng nhiều.
Ngày nay, khi nghề đóng cối không còn thì thứ ngôn ngữ chỉ có nói mà không có viết kia chỉ còn biết quanh quẩn nơi luỹ tre làng Đa Chất, thứ ngôn ngữ không có một quy luật ngữ âm nào cả sẽ không được bổ sung thêm nguồn từ vựng mới nữa.
Ông từ đình vuốt mái tóc bạc phơ, ngồi xuống bên bàn nước. Đã 9 năm nay, ông nhận nhiệm vụ trông coi mái đình này. Nửa thế kỷ tha phương cùng bộ đồ nghề đóng cối mang lại cho ông những suy tư sâu sắc khôn nguôi. Ông tiếc cho cái nghề tổ đã mất. Giờ còn lại thứ cổ ngữ bí ẩn kia, ông chỉ mong vẫn sẽ tiếp tục được truyền đời.
Theo Nguyễn Trần Trung
Lao động