Có nên tiếp tục tổ chức thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam hay không?

(Dân trí) - Sau những lùm xùm của Cuộc thi, với tư cách Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam năm 2011, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - UBDT Chu Tuấn Thanh đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét có nên tiếp tục tổ chức Cuộc thi hay không.

Dân trí xin đăng tải bài viết của Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Chu Tuấn Thanh xung quanh vấn đề trên.

***

Thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương liên tiếp đăng nhiều tin, bài phản biện xã hội, bình luận... trên nhiều báo in, báo điện tử, mạng xã hội... về hậu quả sau Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ II tại TP Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2011.

Phải bàn lại mục đích của cuộc thi Hoa hậu là gì? Trên các văn bản pháp lý quy chế thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, quyết định cho phép và đề án thi hoa hậu đều nói rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc thi: "Cuộc thi hoa hậu là tôn vinh bản sắc, giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam; ca ngợi vẻ đẹp truyền thống với tài năng trí tuệ, sắc đẹp thiếu nữ Việt Nam". Thực sự như vậy thì đáng kính lắm, nhưng đằng sau những dòng chữ ấy còn có những mục đích, yêu cầu nào nữa đang tiềm ẩn mà không viết, không nói lên được...

Tôi đọc rất nhiều bài viết của nhiều tác giả thông tin nhiều góc độ khác nhau và tự suy ngẫm. Tôi không bình luận và đánh giá bên nào đúng, sai giữa cựu hoa hậu Triệu Thị Hà và Công ty CIAT - đơn vị tổ chức sự kiện. Bởi Báo Tiền phong đã tổ chức thi Hoa hậu trước đây và nay là Hoa hậu Việt Nam đã tổ chức 13 lần nhưng ít điều tiếng lùm xùm. Tuy nhiên không tránh khỏi một số lỗi tai nạn nghề nghiệp.

Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam tổ chức 3 lần (năm 2007 tại Đà Lạt - Lâm Đồng, năm 2011 tại TP Hồ Chí Minh, năm 2013 tại Quảng Nam) nhưng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng và thương hiệu đơn vị tổ chức cuộc thi ngày càng được sáng rõ hơn. Nhưng không hiểu nguyên nhân do đâu lại xảy ra những sự việc đáng tiếc do vi phạm pháp luật, do tự trọng, hay do thất vọng, buồn chán của những người đã tham gia cuộc thi sắc đẹp gây nên khiến dư luận xã hội phải quan tâm và lên tiếng. Câu chuyện về Hoa hậu không thể nào cắt nghĩa chính xác được.

Triệu Thị Hà trong thời khắc đăng quang 
Triệu Thị Hà trong thời khắc đăng quang 
Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2011.

Như vậy Cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam trở thành điểm nhấn trọng tâm là cựu Hoa hậu Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, ở làng quê heo hút với công ty CIAT cứ giằng kéo nhau làm cho nhiều người phẫn nộ, để lại ấn tượng, suy nghĩ không lấy gì tốt đẹp. Giá trị, mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi lọt vào bóng mờ.

Khi đó, tôi với tư cách là Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn vòng thứ nhất. Sau lễ đăng quang Hoa hậu trong niềm vui sướng hô vang của hàng nghìn khán giả trong hội trường, mọi người cảm thấy mãn nguyện, tự hào, cảm động bởi một trong những nhân tố hội tụ trở thành người phụ nữ Việt Nam nhân lên gấp bội.

Giờ đây, mọi người đều thất vọng và suy nghĩ về cuộc thi, đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét và thẩm định kĩ lưỡng có nên tiếp tục tổ chức cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam nữa hay không?

Chu Tuấn Thanh
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc