Dựng lại kịch “Hãy khóc đi em”:

Có một “trăng nơi đáy giếng” khác…

Khi Ái Như dựng lại vở đã khá thành công trước đây Hãy khóc đi em, một truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim cùng tên, đã gây “sốt” trong đời sống văn hóa và sau đó đoạt giải Cánh diều Bạc 2008.

Nhiều người đã hỏi: Còn gì mới không ta? Bởi với người dựng, rồi cả với người xem, đây là việc làm đầy thách thức. Vở kịch vừa công diễn tại sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, TP.HCM cho thấy một Hãy khóc đi em, một Trăng nơi đáy giếng với những cung bậc cảm xúc khác...

 

Năm 2004, Ái Như đã công diễn Hãy khóc đi em tại Kịch IDECAF (TPHCM), với sự tham dự của những nghệ sĩ rất giỏi nghề là Thành Lộc, Thành Hội, Thanh Thủy, Mai Hoa, Cát Phượng... NSƯT Thành Lộc đã khá thành công khi vào vai Phương, người đàn ông có bề ngoài đạo mạo, nhưng bên trong lại đầy mưu mô, đến mức lừa được vợ mình tự nguyện đứng ra cưới người tình về làm vợ bé.

 

Vở diễn năm đó là sự so kè giữa cái láu lỉnh của Thành Lộc với vẻ tưng tửng của Thành Hội (vai Hướng), sự khắc khổ của Mai Hoa (Thu) với nét xuề xòa của Cát Phượng (Thắm)... Tất cả như dồn đẩy Hạnh (do Thanh Thủy thủ vai) đến bước đường cùng, quá tuyệt vọng, nên phải thu mình lại. Có thể thấy, vở bố cục với tiết tấu xuôi chiều, qua cao trào là kết thúc.

 

Nhưng lần này, Ái Như chia vở diễn thành hai tiết tấu riêng biệt, cân đối hơn. Màn 1 với nhịp điệu trầm buồn, ánh sáng dịu, nhằm khắc họa số phận, sự cam chịu của Hạnh. Màn 2 với nhịp điệu sinh động, ánh sáng trắng, nhằm phô bày âm mưu lừa tình của người chồng.
 
Có một “trăng nơi đáy giếng” khác…  - 1
Quang Thảo và Hồng Ánh, hai nhân tố mới của vở diễn. Ảnh: Minh Hạ

 

Cách chuyển màn và đột ngột thay đổi tiết tấu này có thể làm cho người xem trong thoáng chốc không theo kịp, thấy khó chịu. Nhưng khi nhìn lại toàn bộ vở diễn, kết cấu này là cách hay để đạo diễn thay đổi mình sau hai lần dàn dựng, còn người xem thì cảm nhận được sự thay đổi sau mấy lần thưởng thức.

 

Khi chuyển thể kịch bản này, Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng mong muốn thay đổi chút xíu cái hương vị địa phương đậm đặc trong nguyên tác, muốn gởi vào trong đó một tiết tấu nhanh hơn. Bởi theo chị Minh Ngọc, đời của Hạnh đã buồn quá rồi, mình mà chọn tiết tấu quá chậm, dường như trêu ngươi, người xem sẽ khó chia sẻ.

 

Cảm thông được tinh thần đó, việc thay đổi tiết tấu của Ái Như là điều khá hợp lý. Sự hợp lý này còn được Quang Thảo (vai Phương) tôn tạo, với gương mặt buồn và lạnh, anh đã diễn khá đạt chất dửng dưng, nghiêm trang giả tạo.

 

Truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai có dung lượng trung bình, khoảng 5.000 chữ, vẽ nên khung cảnh dị biệt của một gia đình sống tại Huế, với cảnh đời éo le, được khắc họa rõ nét.

 

Do suy sụp tinh thần, cô Hạnh trong truyện của Trần Thùy Mai, cũng như trong phim của Nguyễn Vinh Sơn đã chọn cách chạy trốn cõi lòng, gởi mình vào thế giới tâm linh riêng, không muốn sẻ chia cùng ai. Trần Thùy Mai chọn cái kết: “Người trong xóm thấy ông Phương phóng xe ra ngược con ngõ, áo và tóc ướt từng vạt nước trà vàng vàng, mặt bừng bừng lửa giận. Hai hôm sau, việc đến tai bà Thu. Bà lắc đầu an ủi: Chị ấy tốt bụng nhưng lý trí không vững nên tâm nó loạn. Trước đã bày ra chuyện phong kiến cổ hủ, nay lại sinh ra trò mê tín dị đoan. Thôi thì mặc ý chị ấy, tôi cũng hết phép.

 

"Cô Hạnh chẳng quan tâm đến ai, cứ vào ra trong ngôi nhà vắng tanh với nụ cười mãn nguyện của một người đàn bà hạnh phúc. Chiều hôm ấy cô thung dung đi chợ chọn mua vải may chiếc áo dài mới để tháng Ba này ngược sông Hương trảy hội mùa Xuân”.

 

Khi nhận ra sự thật phũ phàng đằng sau sự dằn vặt giả vờ của Phương và sự ngu ngơ giả tạo của Thắm, Hạnh đã chết lặng. Trong các phiên bản trước, Hạnh vì quá yêu mà phát rồ, nên tự “kết hôn” với hình nhân thế mạng, ngày ngày cơm bưng nước rót. Lần này Ái Như cũng diễn tả nỗi đau và tình cảnh đó, cũng cho Hạnh đi lang thang trên đồng mà gào lên: “Chim là của bầu trời, hình rơm là của cánh đồng, Phương là của Thắm, còn tôi, tôi không là của ai cả...”. Thế nhưng, đạo diễn dường như muốn Hạnh có một kết cuộc nhẹ nhàng hơn, vì đời cô đã quá đau khổ rồi, nên cho Hướng (Thành Hội thủ vai) - vốn yêu Hạnh từ nhỏ - xuất hiện vào phút cuối, sống như một người anh để đỡ dần đứa em gái.

 

Cũng như lời ca của Trịnh Công Sơn, được chọn làm ca khúc chủ đề trong vở này, Hướng đã khuyên Hạnh: “Hãy khóc đi em, cuối cuộc tình, còn đâu những mặn nồng”. Và Hạnh khóc, khóc nức nở, nên người xem có thể nhận ra cô sẽ có được bình yên.

 

 
Theo Thể thao Văn hóa