Có không ít người không nghe nhạc bằng tai mình mà bằng tai của người khác
(Dân trí) - Trong tham luận “Bàn về đời sống âm nhạc hôm nay” tại hội thảo do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Đình San cho rằng, đời sống âm nhạc hôm nay bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận còn bộc lộ một số điều còn hạn chế cần phải khắc phục.
Nghệ thuật dễ dãi không phải là nghệ thuật đích thực
Ông đặt vấn đề rằng, âm nhạc là loại hình nghệ thuật của thời gian tức đi vào trái tim con người bằng âm thanh. Và phải có một khoảng thời gian nhất định, đủ cho tác phẩm vang lên. Vài phút đối với một bài hát, bản nhạc ngắn; hàng giờ đối với một tác phẩm giao hưởng, Opéra. Vì thế, âm nhạc thực sự có giá trị là để nghe, không cần xem. Đáng tiếc là hiện nay, thứ âm nhạc này ngày càng ít đi, mất dần, để nhường chỗ cho một thứ âm nhạc khác mà nếu chỉ nghe thì vô cùng sơ sài, nghèo nàn… nếu không muốn nói là mớ âm thanh nhộn nhạo, hỗn độn, rất khó rung động trái tim.
“Âm nhạc ngày nay đã nhờ vả các yếu tố khác hỗ trợ như: diễn viên phụ hoạ, trang phục, ánh sáng… lại có thêm cả đèn chiếu. Tất cả những thứ ấy được bày biện, phô trương trên sân khấu hoặc màn hình để người ta xem nhiều hơn nghe… Đó thực sự là thứ âm nhạc giải trí, phục vụ người ta vừa xem, vừa có thể nói chuyện, vừa cắn hạt dưa hoặc nhai tóp tép một món gì đó chẳng phương hại gì đến việc tiếp thu tác phẩm.
Nhiều người xem xong chẳng nhớ bài hát gì, âm điệu ra sao vì mải nhìn dàn vũ nữ ăn mặc quá “nghèo” ra ngọ nguậy, lượn lờ như những con sâu. Sự xuất hiện của dàn vũ nữ minh hoạ ấy tuy nhiều khi vô lý nhưng lại đóng vai trò chính hấp dẫn người xem. Những ca khúc quá dễ dãi với những đường nét giai điệu sáo mòn, dông dài, lời lẽ thô sơ, tuỳ tiện rất ít giá trị văn học.
Tổng giá trị thẩm mỹ chung của tác phẩm thanh nhạc quá nhẹ đồng cân nếu không nói là phản thẩm mỹ đang có khuynh hướng lan tràn, chiếm lĩnh các sân khấu ca nhạc hiện nay. Và nó cũng được đưa luôn lên truyền hình vì thực hiện những chương trình sẵn có này là sự thuận tiện cho các đài truyền hình…”, nhạc sĩ Nguyễn Đình San phân tích.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đình San, những ca khúc để xem này vì “phụ thuộc” ở quá nhiều yếu tố khác nên tự thân đã không thể tồn tại độc lập. Vì thế mà không thể có khả năng đề cập đến những vấn đề có tư tưởng lớn của dân tộc, những khía cạnh phong phú, sâu sắc nhất của nội tâm con người. Nam nhạc sĩ cho rằng, các đài truyền hình nên hạn chế bớt những chương trình kiểu này.
“Với tình hình hiện nay, nền văn hoá âm nhạc của ta có nguy cơ xuống cấp với việc phát triển tự phát loại âm nhạc để xem phục vụ giải trí, sinh hoạt mà ít có những tác động tư tưởng, tình cảm mạnh mẽ sâu sắc… điều mà ta vẫn thường bắt gặp ở nhiều tác phẩm những giai đoạn trước đây.
Cần nhớ rằng, tuổi trẻ chỉ là một bộ phận của công chúng và ngay cả giới trẻ cũng có nhiều người không thoả mãn với loại ca khúc chỉ thuần tuý giải trí. Họ vẫn có nhu cầu được thoả mãn về thẩm mỹ, về sự nâng cao tư tưởng, tâm hồn... Dù thế nào chăng nữa, vẫn phải là nghệ thuật với những chuẩn mực thẩm mỹ nhất định chứ không thể dễ dãi, tuỳ tiện, chưa phải là nghệ thuật đích thực.
Việc “lăng xê”, “tôn vinh” quá đáng một số chương trình âm nhạc giải trí cùng một vài tác giả chuyên sáng tác loại bài hát để xem đã khiến người ta ngộ nhận rằng: Âm nhạc hiện nay phải như thế và người sáng tác ra nó mới là tài năng. Nhưng hãy thử làm một cuộc điều tra xã hội học thực sự xem tất cả công chúng thuộc đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp sẽ nói gì. Tin rằng số đông công chúng vẫn thích tìm đến loại âm nhạc để nghe mà hiện nay ít nhiều đang bị xao nhãng”, nam nhạc sĩ bày tỏ thêm.
Không ít người nghe nhạc bằng tai của người khác
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đình San, hiện nay, sự lộn xộn, pha tạp, chen lấn của thứ nhạc thị trường đang lấn lướt và muốn đánh bật mọi thứ âm nhạc đích thực ra khỏi vị trí vốn có…
“Trong nhiều cuộc đi nói chuyện âm nhạc tại các trường đại học và một số cơ quan, tôi đã cố gắng thử làm cuộc điều tra thì thấy không phải bạn trẻ nào cũng thích những bài hát và một số “ngôi sao” mà lâu nay vẫn coi là “được ưa thích nhất”. Và tôi để ý thấy rằng, các bạn trẻ có trình độ văn hóa cao hơn lại không ưa. Thay vào đó, họ lại rất thích những tác phẩm, nghệ sĩ thực sự có giá trị.
Tôi đã chứng kiến một lần trên ti-vi phát một chương trình ca nhạc, đến một ca sĩ nọ, mấy bạn sinh viên đã chuyển kênh kèm lời cáu gắt rất nặng nề. Đó là một ca sĩ trẻ thường xuyên có mặt trong rất nhiều chương trình biểu diễn trong Nam ngoài Bắc và được coi là một “ngôi sao” nhạc nhẹ đang rất thời thượng. Một lần khác, tôi lại chứng kiến, khi trên ti-vi đang hát bài có mấy lời: “Con gái nói ghét là yêu... Đừng tin những gì con gái nói...”, một bạn sinh viên nói: “Thôi tắt đi! Nhàm lắm rồi!”.
Tôi nói: “Cứ để xem, bài hát hay đấy chứ, nhiều bạn thích kia mà”. Bạn sinh viên nói với tôi: “Chú mà cũng thích bài này à? Chúng cháu cứ nghĩ chú ghét lắm mới phải”. Tôi giả vờ: “Thích chứ sao, tác giả nói về con gái đúng đấy chứ. Và chú thấy nhiều bạn sinh viên thích bài này lắm mà”. Mấy bạn nói: “Cũng có thể đúng như vậy ngoài đời nhưng đưa vào bài hát, chúng cháu thấy sượng. Vả lại cháu nghĩ phần âm nhạc vẫn là chính. Nhạc bài này nghe dễ dãi, nhạt nhẽo. Chú bảo nhiều bạn sinh viên thích bài này thì ở đâu không biết, chứ chúng cháu ở đây đều không ưa bài này”.
Như vậy là ngay trong lớp trẻ, cũng chỉ có một bộ phận, một số nào đó ưa thích chứ không phải tất cả. Huống hồ công chúng âm nhạc lại là tất cả mọi người, trong đó, số đã qua tuổi trẻ, lớp cao tuổi, bà con nhiều tầng lớp ở nông thôn, ở nhiều môi trường lao động khác thì sao đây, lượng công chúng này ắt mới là “nhiều người”, nhạc sĩ Nguyễn Đình San trăn trở.
Mặc dù vậy, nhạc sĩ họ Nguyễn vẫn khẳng định công chúng không bao giờ có lỗi trong việc thưởng thức văn nghệ. Họ đã hấp thụ tác phẩm một cách tự nhiên. Ngay cả một bộ phận công chúng có “gu” thẩm mỹ còn thấp kém thì lỗi cũng không hoàn toàn ở họ mà ở người sản sinh ra tác phẩm, người truyền bá và giới thiệu tác phẩm. Trong công chúng, có không ít người nghe nhạc không bằng tai mình mà bằng tai của người khác. Trong khi chưa biết thực hư thế nào, thấy người khác đổ xô tìm đến ca khúc này, giọng hát nọ, thế là cũng làm theo. Và thấy người ta khen, cũng khen theo mặc dù chưa cảm nhận được điều gì.
“Tôi nói đến việc có nhiều người nghe nhạc bằng tai người khác chính là muốn nói ngay cả những người này cũng chẳng có lỗi gì. Họ đã cảm nhận âm nhạc tự nhiên theo kiểu của họ, tức là cái này thích, cái kia không thích, có cái chưa biết thế nào, chẳng có cảm giác gì.
Con người thưởng thức âm nhạc là tự nhiên nhưng sự tự nhiên ấy lại hoàn toàn có thể hướng dẫn được… Cho nên, sẽ không phải là quá đáng nếu nhận định, làm cho một bộ phận công chúng đáng kể có “gu” thẩm mỹ thấp kém như hiện nay chính là những người làm ra nghệ thuật chứ không phải ai khác.
Ở ta hiện nay, công chúng lý tưởng của âm nhạc là những người hiểu biết, có tri thức văn hóa, nhận thức đúng đắn về thời cuộc, am hiểu truyền thống và có nhu cầu vươn tới cuộc sống phong phú về tinh thần. Những yếu tố trên càng nhiều, càng khiến người ta sành hơn trong cảm thụ nghệ thuật.
Để có được nhiều công chúng nghệ thuật nói chung, công chúng âm nhạc nói riêng không phải là việc quá khó khăn. Nâng cao dân trí, giáo dục âm nhạc sâu rộng ngay từ tuổi thơ, tạo một môi trường văn hóa trong lành, truyền bá mọi tinh hoa của truyền thống và thế giới.., con người sẽ được mở mang trí tuệ. Khi ấy ắt là sẽ có được nhiều công chúng âm nhạc lý tưởng”, nhạc sĩ Nguyễn Đình San nói thêm.
Hà Tùng Long