Có gì thú vị trong trong vở “Hồng lâu mộng” sắp công diễn tại Hà Nội?
(Dân trí) - Bắt đầu từ tháng 12/2017, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ chính thức công diễn vở kịch “Hồng lâu mộng” do đạo diễn Singapore - Chua Soo Pong dàn dựng dựa trên tác phẩm kinh điển của tác giả Tào Tuyết Cần.
“Hồng lâu mộng” là một trong bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng bậc nhất của Trung Quốc. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc.
Gia đình họ Giả vốn có nhiều công lao với triều đình, sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành. Ninh Quốc công và Vinh Quốc công là hai anh em ruột. Giả Bảo Ngọc là quý tử ở phủ Vinh Quốc, khi sinh ra đã ngậm một viên “Thông linh Bảo Ngọc”, là niềm hi vọng của gia đình họ Giả. Còn Lâm Đại Ngọc, vì bố mẹ mất sớm, nên Đại Ngọc được Giả mẫu đem về nuôi trong phủ Vinh Quốc. Những trắc trở, sóng gió trong cuộc sống, phận người trong “Hồng lâu mộng” mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời nhà Thanh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng 8 năm.
Mặc dù nguyên gốc tác phẩm có rất nhiều chương hồi nhưng trong vở này, đạo diễn Chua Soo Poong chỉ chọn những chương hồi có liên quan đến tình yêu của Giả Bảo Ngọc với Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa để dàn dựng. Các tuyến nhân vật được thu gọn lại chỉ còn: Giả mẫu, Giả Chính, Vương Phu Nhân, Tiết Phu Nhân, Vương Hy Phượng, Tập Nhân, Tình Văn, Tử Quyên, Tuyết Nhạn…
Vở kịch lấy bối cảnh là khu vườn Đại Quan Viên trong phủ Vinh, một trong hai dinh cơ tráng lệ của gia đình họ Giả. Giả Bảo Ngọc (Tô Tuấn Dũng), cậu con trai nối dõi duy nhất của gia đình Vinh Quốc công nổi lên với hình tượng một cậu ấm sinh trưởng trong nhung lụa, được cả gia đình chiều chuộng, đặc biệt là bà nội và mẹ. Cả gia đình đều mong muốn Giả Bảo Ngọc theo con đường khoa cử để sau này thăng quan tiến chức, làm rạng rỡ dòng họ.
Tuy nhiên, Giả Bảo Ngọc lại không mặn mà với chữ nghĩa đèn sách mà lại thích sự phóng khoáng, lãng mạn, yêu thơ ca và nghệ thuật. Chính vì mang tâm hồn “mây gió” này mà cậu đã phải lòng tiểu thư họ Lâm, một cô gái lúc nào cũng mong manh như cánh hoa đào và giàu tâm hồn thơ phú. Trong khi đó, gia đình lại muốn Giả Bảo Ngọc nên duyên với Tiết Bảo Thoa, một cô gái khéo léo, giỏi chữ nghĩa và luôn khuyên bảo Giả Bảo Ngọc theo con đường quan lộ.
Bi kịch được đẩy lên đỉnh điểm khi Gia Bảo Ngọc bị lừa lấy Tiết Bảo Thoa và Lâm Đại Ngọc vì quá đau khổ nên đã u uất mà chết đúng trong ngày cưới của người yêu. Phát hiện mình bị lừa, Giả Bảo Ngọc từ chỗ là một cậu ấm quen nhõng nhẽo đã quyết liệt phản ứng sự sắp đặt gia đình. Cậu đã vô cùng đau khổ khi biết vì mình mà “em Lâm” đã ra đi trong đớn đau và uất hận.
Kết vở, Giả Bảo Ngọc bị gia đình họ Giả nhốt trong chiếc lồng son cũng chính là những lễ giáo của xã hội đương thời. Tuy nhiên, Giả Bảo Ngọc đã vượt ra khỏi chiếc lồng son đó để cùng Lâm Đại Ngọc hoá thành đôi bướm trắng bay múa giữa bầu trời rộng lớn... Đạo diễn đã sử dụng thi pháp ước lệ để tạo nên một cái kết đầy ấn tượng và đa nghĩa cho vở diễn.
PGS Nguyễn Thị Minh Thái đặc biệt đánh gia cao lối dựng mới mẻ, hiện đại, buông bỏ nguyên tắc ước lệ của sân khấu truyền thống của đạo diễn Chua Soo Poong.
Tiết Bảo Thoa cũng không còn là một cô gái an phận thủ thường, không chính kiến, chịu sự sắp đặt của cha mẹ mà là một cô gái cũng biết yêu, biết tủi. Tiết Bảo Thoa hạnh phúc khi được nên duyên với Giả Bảo Ngọc nhưng đầy giằng xé khi biết trái tim của người con trai ấy không thuộc về mình.
Tài năng của đạo diễn không chỉ ở việc “thổi” cái tôi vào trong các nhân vật khiến các nhân vật hiện lên sống động, gần gũi với đời sống hiện đại hơn và lối dựng kịch cũng rất ngắn gọn. Tài năng của đạo diễn Chua Soo Pong còn thể hiện ở một sân khấu được đầu tư kỹ lưỡng, vừa đảm bảo tính hiện đại mà vẫn dựng lên được bối cảnh của thời đại câu chuyện.
Góp phần làm nên sự thành công của vở diễn chính là tài năng diễn xuất của tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Có thể nói, từ các diễn viên chính cho tới các diễn viên phụ trong vở kịch đều thể hiện xuất sắc vai diễn của mình.
“Diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam đã thể hiện sự tiến bộ rất đáng ghi nhận khi họ vừa thể hiện thành công bi tâm lý trong bi kịch tình yêu kiểu phương Tây (vở "Jomeo và Juliet" - PV) và bi kịch tình yêu kiểu phương Đông trong vở “Hồng lâu mộng” này” – PGS. Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Ngoài ra, phần âm nhạc của vở kịch cũng tạo nên những hiệu ứng giúp vở kịch gieo vào lòng người xem những ấn tượng sâu sắc. Âm nhạc Trung Hoa kết hợp với âm nhạc hiện đại tạo một thứ ngôn ngữ thứ 3 cho vở kịch.
Hà Tùng Long